Phát hiện một hành tinh "băng nóng"

  •   32
  • 1.310

Các nhà thiên văn thuộc Trường Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã phát hiện một hành tinh có thể được cấu tạo từ “băng nóng” quay quanh một ngôi sao nhỏ cách Trái Đất 30 năm ánh sáng.

Hành tinh ngoài hệ Mặt Trời này đã được các nhà khoa học phát hiện từ 3 năm trước. Nó có khối lượng gấp 22 lần Trái Đất và quay quanh một “sao lùn đỏ” mang tên GJ1436.

Từ đài quan sát OFXB Saint-Luc (Valais), các nhà thiên văn Thụy Sĩ đã phát hiện hành tinh này khi nó đi qua giữa ngôi sao và Trái Đất. Việc đo độ sáng của ngôi sao đã cho phép xác định kích thước của hành tinh.

Khi phối hợp hai thông tin trên (khối lượng và kích thước), các nhà nghiên cứu có thể ước tính tỉ trọng của nó. Họ đã tỏ ra ngạc nhiên khi phát hiện hành tinh này không ở dạng rắn như Trái Đất, cũng không ở dạng khí như sao Mộc và suy ra rằng nó được cấu tạo từ nước. Hành tinh này ở rất gần ngôi sao của nó và có tình trạng tương tự như hiện tượng hiệu ứng nhà kính cho phép ước lượng nhiệt độ ở bề mặt là 300 độ C.

Các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh GJ 436 được cấu tạo từ nước
Các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh GJ 436 được cấu tạo từ nước (Ảnh: NASA)

Nước ở bầu khí quyển của hành tinh này ở dạng hơi và bên trong có thể ở dạng băng nóng. Hiện tượng này chưa được biết ở Trái Đất nhưng từng được tái tạo trong phòng thí nghiệm.

Theo tác giả nghiên cứu, Giáo sư Frederic Pont, nếu các đại dương ở Trái Đất sâu hơn, dạng băng nóng này sẽ được hình thành dưới đáy.

Các nhà thiên văn Thụy Sĩ sẽ tìm cách phân tích bầu khí quyển của hành tinh này bằng việc phân tích quang phổ ánh sáng của ngôi sao trước và trong khi bị che khuất bởi hành tinh. Các đo đạc này sẽ được thực hiện bởi hai kính viễn vọng Hubble và Spitzer.

Quỹ đạo của hành tinh GJ 436
Quỹ đạo của hành tinh GJ 436  (Ảnh: Geneva University)

V.S

Theo RC, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh
  • 32
  • 1.310