Các nhà thiên văn học khám phá ra một hệ thống chứa 6 ngôi sao quay quanh nhau trong dải Ngân Hà, cách Trái đất khoảng 2.000 năm ánh sáng.
Theo báo cáo trên tạp chí arXiv hôm 12/1, hệ sao mới - có tên là TIC 168789840 - được phát hiện bởi NASA dựa trên dữ liệu từ Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS).
TIC 168789840 gồm 6 ngôi sao thường xuyên che mờ lẫn nhau. Nếu nhìn bằng hệ thống kính thiên văn thông thường trên mặt đất, chúng chỉ hiện lên như một điểm sáng duy nhất. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học nhận thấy điểm sáng này thỉnh thoảng lại mờ đi bất thường và bằng cách sử dụng TESS, họ đã xác định được các ngôi sao riêng lẻ trong hệ thống.
NASA giải thích rằng 6 ngôi sao của TIC 168789840 quay quanh nhau trong một mặt phẳng thẳng hàng hoàn toàn với Trái đất, do đó mỗi khi một trong những ngôi sao đi qua một ngôi sao khác, nó sẽ tạo ra hiện tượng nhật thực làm mờ độ sáng của hệ thống.
TIC 168789840 không phải hệ sáu sao duy nhất trong dải Ngân Hà và theo các tác giả của nghiên cứu, nó rất giống với hệ thống Castor nổi tiếng - chỉ cách Trái đất 51 năm ánh sáng - được phát hiện vào năm 1920.
Mô phỏng Castor - hệ sao gần giống nhất với TIC 168789840. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).
Cụ thể, 6 ngôi sao của hệ thống quay quanh nhau theo từng cặp. Trong đó, cặp đầu tiên và cặp thứ hai (giống như Castor A và B) liên kết với nhau chặt chẽ hơn, hoàn thành quỹ đạo nhị phân của riêng chúng sau mỗi 31 giờ và 38 giờ. Bộ tứ này lại quay quanh một tâm chung với quỹ đạo lớn hơn, kéo dài 3,7 năm.
Trong khi đó, cặp sao thứ ba (giống với Castor C) mất tới 2.000 năm hoặc lâu hơn để hoàn thành một vòng quỹ đạo của hệ thống. Hai ngôi sao trong cặp này cũng quay quanh nhau trong một quỹ đạo nhị phân riêng sau mỗi 129 giờ.
Cho đến nay, TESS đã giúp các nhà thiên văn học phát hiện hơn 100 hệ thống đa sao như TIC 168789840, nhưng nguồn gốc hay cách hình thành của chúng vẫn là một câu hỏi lớn. Những phát hiện mới bởi vậy có thể cung cấp dữ liệu quan trọng giúp giải mã các hệ sáu sao trong tương lai.