Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện hóa thạch xương sọ của một loài động vật bốn chân nguyên thủy dạng cá. Khám phá này có thể là bằng chứng cho thấy động vật bốn chân đã xuất hiện sớm hơn 10 triệu năm so với giả thiết trước đó.
Theo nghiên cứu đăng hôm 23/10 trên trang web tạp chí Nature Communications, loài động vật bốn chân nguyên thủy được phát hiện ở Tây Nam Trung Quốc nói trên sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về quá trình tiến hóa từ vây sang chi.
Các loài động vật bốn chân hiện nay, như ếch, rùa, chim và động vật có vú, chỉ là một phân nhóm của liên lớp động vật bốn chân cũng bao gồm cả các động vật bốn chân nguyên thủy có vây và có chi.
Một số loài động vật bốn chân nguyên thủy được cho là đã di chuyển lên cạn khoảng 370 triệu năm trước và từng bước tiến hóa thành những động vật có xương sống trên cạn đầu tiên và cuối cùng là con người.
Trước đây, có một khoảng trống ít nhất 16 triệu năm từ hóa thạch cổ nhất của giống cá phổi (lungfish) đến loài động vật bốn chân sớm nhất từng được biết đến là Kenichthys, một loài bốn chân nguyên thủy có vây.
Tuy nhiên, báo cáo trên nhấn mạnh phát hiện nói trên đã đẩy lùi hồ sơ hóa thạch của động vật bốn chân về thời điểm sớm hơn khoảng 10 triệu năm, do vậy, sự xuất hiện đầu tiên của liên lớp động vật bốn chân đã được rút ngắn lại gần hơn với thời kỳ cá phổi và động vật bốn chân tách nhánh.
Nghiên cứu này cũng khỏa lấp khoảng trống hình thái học giữa động vật bốn chân và cá phổi, đồng thời làm sáng tỏ hình thái tiến hóa của những thay đổi đặc tính trong quá trình tách nhánh ban đầu của động vật bốn chân nguyên thủy.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu hộp sọ bằng tia X đã cung cấp bằng chứng hóa thạch mới về nguồn gốc của bộ não động vật bốn chân.