Các nhà khảo cổ Đức phát hiện khối đá lớn nhất con người đục đẽo được, có niên đại hơn 2.000 năm.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Đức tìm thấy khối đá tại một mỏ đá vôi ở Baalbek, Lebanon. Đây là nơi từng được coi như Heliopolis - thành phố của ánh nắng mặt trời trong thời kỳ La Mã.
Khối đá lớn nhất do con người đục đẽo được từ thời cổ đại. (Ảnh: Discovery News)
Khối đá có một phần bị chôn vùi dưới mặt đất. Tảng đá nguyên khối dài 19,6m, rộng 6m, cao ít nhất 5,5m và nặng ước tính tới 1.650 tấn, Discovery News đưa tin.
Nhóm khảo cổ tin rằng, khối đá vôi có niên đại ít nhất là từ năm 27 trước Công nguyên, khi Baalbek đang là thuộc địa của La Mã. Đây là thời điểm ba ngôi đền lớn và nhiều ngôi đền phụ được xây dựng và quá trình kéo dài cho đến thế kỷ thứ hai sau Công nguyên.
Khối đá khổng lồ được dùng làm bậc nền của đền thờ thần Jupiter. Hiện nay, chỉ có một số phần của ngôi đền còn sót lại, trong đó đó có 6 chiếc cột lớn và 27 khối đá vôi khổng lồ tại phần chân đế.
"Mức độ phẳng phiu, trơn tru của khối đá cho thấy nó được vận chuyển và sử dụng mà không bị cắt đi", Viện Khảo cổ cho biết. "Vì vậy, đây là hòn đá lớn nhất từng được biết đến từ thời cổ đại".
Tuy nhiên, cách thức vận chuyển những tảng đá nguyên khối tới vị trí xây dựng chính xác của ngôi đền vẫn còn là bí ẩn. Một số người cho rằng khối đá này do một nền văn minh chưa xác định tạo ra, trước cả thời Alexander Đại Đế, người lập nên Heliopolis năm 334 trước Công nguyên.