Các nhà khoa học Việt Nam vừa phát hiện một loài ếch cây sần mới ở vùng núi cao Hoàng Liên (Lào Cai) và công bố thêm một loài thạch sùng ngón mới giống Cyrtodactylus ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Loài thằn lằn mới được đặt tên theo địa điểm thu được mẫu chuẩn đầu tiên với tên khoa học là Cyrtodactylus cattienensis Geissler, Nazarov, Orlov, Boehme, Phung, Nguyen & Ziegler, 2009. Ngoài ra, mẫu chuẩn của loài còn được thu thập ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) và khu vực Núi Dinh (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Thằn lằn ngón cát tiên (Ảnh: Phùng Mỹ Trung) |
Loài thạch sùng ngón Cyrtodactylus cattienensis khác các loài thạch sùng ngón ở khu vực Đông Dương bởi những đặc điểm như: chiều dài thân tối đa 69mm; có một vạch đen ở gáy, kéo dài tới mép sau ổ mắt; thân, đuôi và chân có những vạch nhỏ, không xếp theo trình tự: 4-6 vạch sáng màu trên thân và 4-12 vạch trắng trên đuôi; nốt sần trên lưng xếp thành 16-22 dọc thân; 28-42 hàng vảy bụng ở ngang giữa thân; nếp da gấp bên sườn không phát triển hoặc biến mất, không có các nốt sần lớn; đuôi không dẹp, phần gốc đuôi không phình to, vảy sắp xếp thành dạng vòng; con đực có 6-8 lỗ trước hậu môn xếp liền nhau tạo thành góc tù; cả con đực và cái đều có một đám vẩy lớn nằm ở vùng trước hậu môn và có 3-8 vảy lớn nằm ở phía dưới mỗi bên đùi; không có lỗ đùi, không có rãnh trước hậu môn; vảy dưới đuôi nhỏ, không phình rộng theo chiều ngang.
Loài này cũng là loài thạch sùng ngón thứ 18 ghi nhận ở Việt Nam. Riêng đối với tỉnh Đồng Nai, đây là loài thạch sùng ngón mới thứ hai được phát hiện kể từ năm 2008 bên cạnh loài thạch sùng ngón huỳnh (Cyrtodactylus huynhi).
Cùng với loài thằn lằn ngón mới, các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam cũng phát hiện thêm một loài ếch cây sần mới ở vùng núi cao Hoàng Liên (Lào Cai).
Ếch cây sần đỏ (Ảnh: Nguyễn Quảng Trường) |
Loài mới có tên là Ếch cây sần đỏ Theloderma lateriticum Bain, Nguyen & Doan 2009 với tên loài có nguồn gốc là từ La-tinh “lateriticum” nghĩa là “đỏ gạch”.
Ếch cây sần đỏ có kích cỡ nhỏ có chiều dài thân 23,5mm, màng nhĩ rất rõ, màng bơi ở chân và tay tiêu giảm, da lưng có những nốt sần nhỏ và nổi bật với màu đỏ gạch, cá thể đực không có túi kêu.
Đây cũng là loài ếch mới thứ hai được phát hiện ở Việt Nam trong năm nay sau mô tả loài mới Ếch bám đá hoa Odorrana geminata Bain, Stuart, Nguyen, Che & Rao, 2009 ở Hà Giang và Cao Bằng.