Phát hiện 300 tỷ "vật thể" tại Bắc Cực, gây nguy hại cho Trái Đất

  •   3,26
  • 2.594

Báo cáo gần đây tiết lộ, hàng trăm tấn nhựa trôi nổi ở Bắc Cực có thể trở thành mối hiểm họa khôn lường cho Trái Đất.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Cadiz (Tây Ban Nha), lượng rác thải khổng lồ này có thể đe dọa sự sống của nhiều loài cá và động vật hoang dã nếu chúng nuốt phải nhựa và các hóa chất độc hại rò rỉ ra biển.

Những chất độc hại này có thể thu hút các hóa chất khác trong nước để tạo ra những "căn cứ điểm" tập trung những chất thải nguy hiểm.

Bắc Cực trở thành "ngõ cụt" tập kết rác thải nhựa
Bắc Cực trở thành "ngõ cụt" tập kết rác thải nhựa. (Ảnh: Shutterstock)

Đại diện nhóm nghiên cứu cho hay: "Tổng lượng nhựa trôi nổi trong nước ở Bắc Băng Dương ước tính dao động từ 100 – 1200 tấn, trong đó có 400 tấn là bao gồm khoảng 300 tỷ rác thải nhựa plastic".

Các mảnh nhựa với nhiều kiểu dáng phong phú khác nhau cho thấy chúng có nguồn gốc từ nhiều nơi. Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng Bắc Cực là một "điểm chết" đối với chất thải nhựa trôi nổi ở vùng biển châu Âu và khu vực Đại Tây Dương.

Rác thải bị cuốn trôi tới Bắc Cực do một dòng hải lưu ở Đại Tây Dương. Điểm khác thường là mật độ rác thải nhựa tập kết ở các vùng biển phía Đông đảo Greenland và ngoài khơi vùng biển Barent của Na Uy và Nga cao hơn so với dự kiến vì những khu vực này vốn thưa thớt dân cư sinh sống.

Lượng rác thải nhựa khổng lồ trôi nổi ở Bắc Cực
Lượng rác thải nhựa khổng lồ trôi nổi ở Bắc Cực. (Ảnh: Shutterstock)

Báo cáo chỉ ra rằng ô nhiễm do con người gây ra có thể mở rộng đến tận những vùng đất xa xôi trên Trái Đất. Một số khu vực vô tình trở thành "điểm tập kết" của rác thải nhựa.

Trước đó, cuộc khảo sát của các nhà khoa học trên tàu thám hiểm Tara của Pháp đã đến và lấy mẫu từ 42 địa điểm ở Bắc Cực vào năm 2013 và phát hiện thấy hàng trăm ngàn mảnh rác nhựa / km2 ở khu vực Đông Bắc Đại Tây Dương. Phần lớn lượng rác thải nhựa khổng lồ trôi dạt từ khu vực châu Âu và Bắc Mỹ tới.

Theo các nhà nghiên cứu, lượng rác thải nhựa khổng lồ cũng có thể tìm thấy ở những vùng biển lớn gần xích đạo.

"Thủ phạm" lộ diện và hiểm họa khôn lường

Biến đổi khí hậu gia tăng làm tình trạng ô nhiễm rác thải ở Bắc Cực không ngừng gia tăng và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể khiến cho Bắc Cực bị ô nhiễm nhiều hơn, một phần là do tác động của băng biển co lại. Các nhà nghiên cứu lo ngại tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa có thể "bùng nổ" ở Bắc Cực.

Rác thải nhựa có xu hướng gia tăng ở Bắc Cực trong tương lai
Rác thải nhựa có xu hướng gia tăng ở Bắc Cực trong tương lai. (Ảnh: Independent)

Tiến sỹ Andres Cozar, thuộc Đại học Cadiz cho biết: "Ô nhiễm rác thải nhựa có thể trở nên phổ biến ở Bắc Cực trong tương lai".
Nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng khủng khiếp của biến đổi khí hậu tới các đại dương trên thế giới. Đại dương đang bị thương tổn từ những hoạt động của con người.

Nghiên cứu cũng cho biết mối quan ngại của các nhà khoa học về tác động không nhỏ của nhựa đối với động vật hoang dã ở Bắc Cực.

Nhựa có thể có nhiều chất độc hại và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của các loài cá và nhiều loài động vật biển khác. Chất độc có thể ngấm vào thịt của động vật và cơ thể con người khi chúng ta ăn chúng.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, lượng rác thải nhựa vào năm 2050 có thể đạt tới con số khổng lồ, nhiều hơn cả số cá trong các đại dương.

Các chuyên gia nhận định, con người cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và tìm cách giảm thiểu lượng nhựa mà chúng ta sử dụng, nên có những thiết kế thân thiện với môi trường để dễ dàng tái chế, ngăn chặn và hạn chế tình trạng xả thải bừa bãi vào môi trường.

Cập nhật: 24/04/2017 Theo Soha
  • 3,26
  • 2.594