Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố nghiên cứu cho thấy, nước biển, do bị axit hóa bởi sự nóng lên toàn cầu, đang ăn mòn và phá hoại các rạn san hô.
Theo tác giả nghiên cứu Chris Langdon, một nhà hải dương học thuộc trường Đại học Miami (Mỹ), đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học ghi nhận được những tác động lâu dài của quá trình axit hóa đại dương đối với các rạn san hô ngoài khơi bờ biển nước Mỹ.
Các rạn san hô đang bị axit trong nước biển phá hoại, làm các loài cá mất chỗ trú ẩn. (Nguồn: SLT).
Ông Langdon cho biết, những gì họ đã quan sát được dự báo một tương lai u ám cho các rạn san hô tại đây. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, phần phía Bắc của rạn san hô Florida Keys (ngoài khơi bang Florida) đã bị xâm hại trong suốt 6 năm qua.
Nhóm nghiên cứu ước tính, khối lượng san hô bị hư hoại khoảng hơn 6 triệu tấn. Nước biển ăn mòn và gây ra những vết nứt, làm cho san hô ở đây trở nên xốp và yếu hơn, ông Langdon cho biết.
"Sự axit hóa đại dương ngày càng tăng đã khiến các rạn san hô bị ăn mòn, hòa tan, dần biến mất và các loài cá sẽ bỏ đi vì không còn nơi trú ẩn" – ông cho biết. Các nhà khoa học dự kiến bộ xương đá vôi của san hô tại đây sẽ bị hòa tan hết vào cuối thế kỷ này.
Ngoài ra, nồng độ axit trong nước biển tăng cũng làm mòn vỏ của các loài giáp xác như tôm, cua, sò, ốc... khiến chúng dễ dàng trở thành con mồi cho các loài cá khác khiến số lượng các loài này giảm đáng kể.
Sự axit hóa đại dương diễn ra do nước biển hấp thụ carbon dioxide (CO2) từ không khí, làm thay đổi các thành phần hóa học trong nó. Nhận định về vấn đề này, ông Mark Eakin, Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cho rằng, con người đang đánh giá thấp mức độ thiệt hại của việc dư thừa CO2 trong khí quyển đối với môi trường sống toàn cầu.