Theo kết quả nghiên cứu mới, di hài của nhân vật được gọi là Dracula trong đời thực đã được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Ý chứ không phải ở phần núi Alps trên lãnh thổ Romania.
>>> Những tội ác ghê rợn của hoàng thân "ma cà rồng"
Có thể cuối cùng người ta cũng tìm được nơi an nghỉ của Dracula trên thực tế, sau khi bia mộ có niên đại từ thế kỷ 16 được khai quật tại Naples có thể thuộc về Vlad - Kẻ xiên người. Biệt danh rùng rợn này xuất phát từ thói quen trừng phạt kẻ thù hoặc các nạn nhân bằng cách đóng cọc xuyên cơ thể của người trị vì xứ Wallachia, giờ thuộc Romania.
Trong nhiều thế kỷ qua, Dracula đã phủ bóng ma ám ảnh toàn bộ vùng núi Transylvanian Alps. Tuy nhiên, mới đây, di hài được cho là của bá tước Dracula lại được tìm thấy ở Ý chứ không phải tại Romania như theo truyền thuyết. Theo đó, bá tước Vlad Tepes (tên thật của nhân vật Dracula), được cho là chết trận. Tuy nhiên, các học giả của Đại học Tallinn (Estonia) phát hiện chứng cứ cho thấy trên thực tế ông này bị bắt làm tù nhân, được con gái chuộc và cuối cùng sống quãng đời yên bình còn lại ở Ý. Khi chết, ông được chôn cất trong một nhà thờ ở Naples.
Chân dung của Dracula - (Ảnh: History.com)
Tại một ngôi mộ mới được phát hiện ở nhà thờ Piazza Santa Maria La Nova, nơi chôn cất con gái và con rể của Dracula, các chuyên gia cho rằng cuối cùng họ cũng tìm được nhân vật gây kinh hoàng khắp vùng núi Transylvanian Alps.
Theo sử sách, bá tước khét tiếng được sinh ra vào năm 1431 trong một dòng dõi thuộc về hoàng tộc Rồng, vốn tham gia vào cuộc chiến chống sự bành trướng của đế chế Ottoman ở châu Âu. Cha của ông gọi là Dracul, có nghĩa là “rồng”, nên chàng thanh niên Vlad trở thành Dracula, tức “con của rồng”. Vào năm 1476, bá tước Dracula mất tích trong một trận chiến. Trong khi một số nguồn tin cho rằng ông đã chết, các nhà nghiên cứu tìm ra chứng cứ cho thấy ông bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bỏ tù và luôn bị kéo lê lết bằng dây xích.
Dấu vết con rồng trên phù điêu của ngôi mộ - (Ảnh: ĐH Talinn)
Cùng lúc đó, con gái của Dracula tên Maria, đã bị đưa ra tòa án ở Naples, nhưng nhờ dòng tộc cai trị có liên minh với gia tộc của cô, Maria được nhận nuôi và sau đó lập gia đình với một quý tộc trong thành phố. Tài liệu của giới sử gia cho thấy Maria đã trả một khoản tiền chuộc lớn cho người Thổ Nhĩ Kỳ để cứu cha, và ông này đã được đưa đến đoàn tụ với con gái tại Naples. Được biết, sinh viên Erika Stella, trong lúc nghiên cứu tu viện Santa Maria Nova ở Naples để viết luận án, đã tìm được một ngôi mộ hoàn toàn khác với những ngôi mộ còn lại. Sau đó, cô cùng một nhóm các học giả quay lại nơi này để tiếp tục cuộc nghiên cứu trong nhiều tháng liền.
Sử gia chuyên về lịch sử trung cổ Raffaello Glinni cho hay ngôi mộ thuộc về thế kỷ 16 được bao phủ bằng những hình ảnh và biểu tượng của gia tộc Carpathians ở vùng Transylvania, hoàn toàn khác với ngôi mộ thuộc về một nhà quý tộc Ý. “Khi nhìn vào những nét điêu khắc trên phù điêu, bạn sẽ thấy biểu tượng được hiển thị rõ ràng”, theo chuyên gia Glinni trả lời tờ báo Il Mattino ở Naples. “Hình điêu khắc con rồng có nghĩa là Dracula và hai tượng nhân sư đối diện nhau đại diện cho thành phố ở Thebes gọi là Tepes. Từ những biểu tượng này, người ta đoán người trong mộ chính là Dracula Tepes, tên thật của bá tước khét tiếng”, theo học giả. Hiện các nhà nghiên cứu đang chờ sự cho phép của chính quyền sở tại để tiếp tục điều tra ngôi mộ.