Theo các nhà khoa học Anh, rất có khả năng sự sống tồn tại ngoài Trái Đất, sâu dưới bề mặt sao Hỏa.
Sự sống trên sao Hỏa
Theo Guardian, phân tích các mẫu thiên thạch cho thấy lớp dưới bề mặt của sao Hỏa là môi trường giàu khí metan (CH4) lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Nếu trên sao Hỏa có sự sống, rất có khả năng nó ẩn bên dưới bề mặt hành tinh này.
Có thể có sự sống trên sao Hỏa. (Ảnh: Guarian)
Khi nghiên cứu 6 mẫu đá lấy từ thiên thạch sao Hỏa ở 6 bảo tàng khác nhau, các nhà khoa học nhận thấy tất cả chúng đều có chứa khí metan. Các thiên thạch cổ xưa nhất từ sao Hỏa có nồng độ metan cao nhất.
Phát hiện này cho thấy, các vi khuẩn ăn khí metan có thể tồn tại trong đất của hành tinh đỏ, "sinh quyển có lòng đất giống như Trái Đất". Phân tích 2 mẫu thiên thạch khác không có nguồn gốc từ sao Hỏa cho nồng độ metan thấp hơn rất nhiều.
“Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy sự sống thực sự trên sao Hỏa, tuy nhiên, nếu đúng là có sự sống ở đó, chúng tôi sẽ tập trung tìm kiếm ở lớp dưới bề mặt”, Nigel Blamey, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Brock, Ontario cho biết.
Bề mặt sao Hỏa có điều kiện rất khắc nghiệt, có nơi nhiệt độ là âm 90 độ C, không phù hợp với sự sống. Các điều kiện ở lớp bên dưới có thể thuận lợi hơn, ít nhất là cho các vi khuẩn hô hấp bằng metan thay vì oxy. Năm ngoái, robot Mars Curiosity của NASA đã quan sát thấy các luồng khí metan chuyển động trên sao Hỏa, nghĩa là metan vẫn đang tiếp tục được tạo ra ở đây.
Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn còn đang là vấn đề tranh cãi của các nhà khoa học, giáo sư Monica Grady, nhà khoa học hành tinh nhận xét. Trên Trái Đất, khí metan được tạo ra từ các vi khuẩn tạo metan (methanogens) và động vật. Do đó, có một giả thuyết khác, cho rằng có thể metan trên sao Hỏa được tạo thành cũng theo cách này, khoảng hơn 1 tỷ năm trước đây, thời điểm mà hành tinh này có nước.
"Một số vi khuẩn tạo ra metan, một số lại sử dụng metan, vì vậy chúng ta chưa thể biết chắc giả thuyết nào đúng", giáo sư Grady nói.
"Các dạng sống sơ khai nhất có thể đã hình thành trên sao Hỏa khoảng 3,8 tỷ năm trước, cùng thời gian với sự sống xuất hiện trên Trái Đất. Khi đó sao Hỏa có nước, khí quyển và từ trường," giáo sư Andrew Coates, một nhà khoa học hành tinh khác thuộc đại học London, cho biết.
Dự án ExoMars của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) sắp triển khai có thể sẽ cung cấp thêm một số thông tin về vấn đề này khi robot thăm dò đáp xuống sao Hỏa năm 2019.