Đợt khảo sát mới đây đã làm các nhà khoa học ngạc nhiên với kết quả thu được về các loài thú tại VQG Bidoup - Núi Bà, một trong những khu rừng tự nhiên lớn, được bảo vệ ở phía nam dãy Trường Sơn. Nhiều loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng vẫn còn sinh sống trong VQG Bidoup - Núi Bà, mang đến hy vọng cho công tác bảo tồn lâu dài đa dạng sinh học độc đáo của Việt Nam.
TS Lê Văn Hương cho biết, từ tháng 10-2019, VQG Bidoup - Núi Bà hợp tác Viện Sinh thái học miền nam (SIE) và Viện nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), thực hiện khảo sát bẫy ảnh trên toàn bộ diện tích của VQG. Mặc dù khảo sát chỉ mới hoàn thành được một phần, nhưng kết quả ban đầu cho thấy, VQG Bidoup - Núi Bà có mức độ đa dạng các loài thú rất cao, ít nhất 21 loài, với bảy loài đang bị đe dọa toàn cầu đã được ghi nhận.
Các loài thú quý hiếm ghi nhận qua bẫy ảnh tại VQG Bidoup - Núi Bà.
“Chúng tôi rất vui mừng khi qua khảo sát cho thấy, mức độ đa dạng cao như vậy. Đây là minh chứng cho thấy Bidoup - Núi Bà là một vùng cảnh quan có giá trị cao cho bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, cũng như toàn cầu”, Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà chia sẻ.
Phát hiện quan trọng nhất là hàng loạt ghi nhận về loài mang lớn (Muntiacus vuquangensis). Loài thú móng guốc chỉ có thể được tìm thấy ở dãy Trường Sơn và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ IUCN. Các nhà khoa học bảo tồn tin rằng, loài mang lớn đã tuyệt chủng tại hầu hết các khu rừng trong vùng phân bố trước đây của loài ở Việt Nam. Sau hình ảnh đầu tiên về loài mang lớn ở VQG Bidoup - Núi Bà được chụp vào năm 2017, các ghi nhận trong nghiên cứu hiện tại đã giúp củng cố thêm nhận định của các nhà sinh học rằng, VQG Bidoup - Núi Bà có thể là nơi có “quần thể khả thi cuối cùng” của loài này ở Việt Nam.
Theo đánh giá của TS Andrew Tilker, Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu: “Khu dự trữ sinh quyển Langbiang với vùng lõi là VQG Bidoup - Núi Bà, là khu vực quan trọng hàng đầu trong bảo tồn loài mang lớn và các loài thú đã biến mất ở Việt Nam”. Như vậy, VQG Bidoup - Núi Bà có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tồn vong của loài trong tương lai.
Cùng với mang lớn, các bẫy ảnh đã chụp được hình ảnh một loài đặc hữu khác của dãy Trường Sơn, đó là cầy vằn (Chrotogale owstoni). Loài thú ăn thịt nhỏ này có bộ lông rất nổi bật và đang gần tuyệt chủng, do nạn săn bắt tràn lan.
“Mặc dù chỉ mới có một nửa diện tích VQG đã được khảo sát, nhưng chúng tôi đã thu thập được bảy ghi nhận về loài này. VQG Bidoup - Núi Bà là một trong số rất ít khu bảo tồn ở Việt Nam có nhiều ghi nhận như vậy về loài này”, Điều phối viên hiện trường kiêm Nghiên cứu sinh của Leibniz-IZW Nguyễn Thế Trường An, nhận định. Theo Trường An, dữ liệu khảo sát cho thấy, một quần thể khỏe mạnh vẫn còn tồn tại ở VQG Bidoup - Núi Bà.
Các thành viên đoàn khảo sát cũng rất ngạc nhiên khi có được nhiều hình ảnh của loài gấu chó (Helarctos malayanus). Mặc dù gấu chó khá phổ biến ở các trại nuôi gấu ở Việt Nam, nhưng loài này thật sự rất hiếm trong các khu rừng ở nước ta. Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà Lê Văn Hương cho biết: “Hình ảnh được biết đến gần đây nhất về gấu chó trong tự nhiên được chụp cách đây gần 20 năm, ở VQG Cát Tiên, còn phần lớn được chụp tại sở thú”.
Những hình ảnh từ khảo sát hiện tại đã mang đến hy vọng cho loài quý hiếm này ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo một thành viên đoàn khảo sát, hy vọng này cũng đang gặp phải nhiều thách thức. Bởi thực tế đáng lo ngại về tình trạng săn bắt động vật hoang dã khó kiểm soát, thể hiện qua một trong số các khuôn hình từ bẫy ảnh: Một cá thể gấu chó đang mang vết thương ở chân trước, có thể là do bẫy dây phanh gây ra. Song, các loài động vật hoang dã ở Bidoup - Núi Bà vẫn còn may mắn hơn ở nhiều khu vực khác của Việt Nam.
“Sự hiện diện của các loài đặc hữu và gấu chó cho thấy, Bidoup - Núi Bà vẫn chưa chịu nhiều áp lực từ tình trạng săn bắt bằng bẫy dây phanh so với các khu rừng ở dãy Trường Sơn”, Nghiên cứu sinh của Leibniz-IZW Nguyễn Thế Trường An nói.
Và một trong những phát hiện bất ngờ nhất là hình ảnh về cá thể nhím bạch tạng. Dù nhím tương đối phổ biến ở hầu hết các khu bảo tồn của Việt Nam, nhưng một cá thể nhím màu trắng là hiện tượng hết sức hiếm. Chưa từng có ai nghe đến nhím bạch tạng trong các khu rừng tự nhiên ở Đông-Nam Á. Như vậy, có thể thấy rằng, việc phát hiện nhím bạch tạng làm cho VQG Bidoup - Núi Bà trở nên đặc biệt, vì mức độ quý hiếm cũng như chúng ta không biết sẽ còn điều thú vị gì vẫn đang ẩn chứa trong các khu rừng.
VQG Bidoup - Núi Bà là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (được UNESCO công nhận ngày 9-6-2015). Khu dự trữ sinh quyển này có tổng diện tích 275.439 ha, được chia thành ba vùng, gồm vùng lõi (34.943 ha), nằm trọn trong VQG Bidoup - Núi Bà, thực hiện chức năng bảo tồn lâu dài đa dạng loài, các cảnh quan, hệ sinh thái; vùng đệm (72.232 ha) và vùng chuyển tiếp (168.264 ha).
Theo đánh giá của các chuyên gia, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Langbiang gồm một hành lang đa dạng sinh học duy trì sự sống cho 14 hệ sinh thái nhiệt đới nguyên sinh phía đông-nam Việt Nam nói riêng và toàn Việt Nam, có tính đa dạng sinh học cao nhất khu vực Đông-Nam Á. Đây cũng là môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có các loài quý hiếm, nguy cơ bị đe dọa.
Mang lớn. (Copyright of Leibniz-IZW, Bidoup Nui Ba NP, and SIE; Dự án JICA-SNRM)
Cầy vằn. (Copyright of Leibniz-IZW, Bidoup Nui Ba NP, and SIE)
Gấu chó. (Copyright of Leibniz-IZW, Bidoup Nui Ba NP, and SIE)