Một nhóm nhà khảo cổ quốc tế tìm thấy 3 quả bóng da lâu đời trong những ngôi mộ ở nghĩa trang tiền sử Dương Hải gần thành phố Turfan.
Những quả bóng da ở Turfan rất nhỏ, có đường kính 7,4 - 9,2 cm. Chúng có lõi ghép từ những mẩu da hoặc lông và lớp vỏ da bọc ngoài bằng dây buộc. Hai trong số 3 quả bóng có dấu chữ thập màu đỏ ở vỏ ngoài.
Bóng da khai quật ở khu nghĩa trang Dương Hải. (Ảnh: X.Y. Chen & P. Wertmann).
Bóng da kiểu như vậy thường được sử dụng trong những trận đấu, dù hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa thể xác định đó là môn thi đấu gì. Kết quả xác định niên đại bằng đồng vị carbon cho thấy bóng da Turfan được làm vào khoảng năm 1189 - 911 trước Công nguyên. Chúng ra đời trước bất kỳ loại bóng cổ nào từng được biết tới ở lục địa Á - Âu.
"Những quả bóng này có niên đại lâu hơn khoảng 100 năm so với hình vẽ mô tả các trận đấu bóng ở lục địa Á - Âu", tiến sĩ Patrick Wertmann, tiến sĩ ở Viện Nghiên cứu châu Á và Đông phương học tại Đại học Zurich, cho biết. "Tuy nhiên, thông tin khảo cổ liên quan không đủ để giải đáp chính xác người xưa chơi chúng như thế nào".
Hai quả bóng da nằm trong ngôi mộ có thể thuộc về các kỵ sĩ. Do những trận đấu bóng thời cổ đại thường được xem như hình thức rèn luyện sức khỏe và huấn luyện quân sự, tiến sĩ Wertmann và đồng nghiệp cho rằng bóng da xuất hiện trong vùng cùng thời điểm với kỹ thuật cưỡi ngựa. Họ báo cáo về phát hiện trên tạp chí Archaeological Science: Reports hôm 1/10.
"Những cây gậy đầu cong cũng được tìm thấy ở Dương Hải, nhưng không có mối liên hệ trực tiếp với bóng da", nhóm nghiên cứu cho biết.