Một quảng trường rộng lớn được xây dựng từ 5.500 năm trước mới được phát hiện ở Peru. Các nhà khảo cổ cho rằng đó là một trong những công trình lâu đời nhất ở châu Mỹ.
Nhóm các nhà khảo cổ Peru và Đức đã khám phá ra khu quảng trường hình tròn, nằm sâu dưới một công trình đổ nát khác có tên là Sechin Bajo ở Casma, cách thủ đô Lima 368 km về phía bắc. Những cột trụ có hình một chiến binh cầm con dao và chiến lợi phẩm cũng được tìm thấy gần quảng trường.
Trước phát hiện này, người ta vẫn cho rằng thành cổ Caral ở Peru là công trình lâu đời nhất ở khu vực tây bán cầu, có niên đại khoảng 5.000 năm.
Các nhà khoa học cho biết Caral, cách Sechin Bajo vài chục km, là một trong 6 nơi trên thế giới mà con người bắt đầu sống ở các thành phố khoảng 5.000 năm trước. Những nơi khác là vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Mỹ. Trong khi đó, quảng trường mới được phát hiện được xác định là có niên đại 5.500 năm và có đường kính khoảng 14 m.
Chúng tôi tìm thấy nhiều dấu vết của các công trình khác nằm dưới quảng trường mà có thể còn lâu đời hơn", nhà khảo cổ Yenque cho biết. "Có khoảng 4-5 nền đá nằm sâu phía dưới, chứng tỏ công trình đã được xây lại nhiều lần, cách nhau khoảng 100-300 năm".
Các nhà khảo cổ đang phủ đất để bảo tồn khu vực và sẽ tiếp tục khai quật các tầng sâu hơn khi có đủ tài trợ.