Phát hiện ra cách mới giúp "cải lão hoàn đồng"

Theo JPost, nghiên cứu do các nhà khoa học ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe Rambam, Viện Công nghệ Technion-Israel, phối hợp cùng Đại học Manchester (Anh), Phòng thí nghiệm Monasterium (Đức) thực hiện. Công trình này được công bố trên tạp chí Science Advances ngày 24/6.

Sử dụng phương pháp ghép da già trên chuột non, họ đã chứng minh có thể khiến cho da và các cơ quan khác trẻ lại thông qua thay đổi cấu trúc phân tử của tất cả lớp da.

Nhóm chuyên gia đã cấy da người già lên chuột bị suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID). Căn bệnh này ảnh hưởng di truyền của cả tế bào lympho B và T. Sau khi cấy ghép, chuột bắt đầu hình thành mạch máu mới, tái tạo sắc tố lớp biểu bì và có những cải thiện đáng kể trong dấu ấn sinh học quan trọng liên quan đến lão hóa.


Chống lại quá trình lão hóa, giúp con người luôn trẻ trung, kéo dài tuổi thọ là mục tiêu của nhiều người trong hàng trăm năm qua. (Ảnh: Freepik).

Quá trình đảo ngược lão hóa xảy ra sau 30 ngày da người già được cấy ghép vào những con chuột nhỏ bị SCID. Các tác giả khẳng định tất cả lớp da người đều đã được trẻ hóa, số lượng mạch máu mới trên da cũng tăng lên.

Nhóm nghiên cứu trước đây đã ghép da người già trên chuột nhỏ bị SCID, nhưng họ không biết liệu hiện tượng trẻ hóa làn da mà họ chứng kiến có thể kéo dài bên dưới lớp biểu bì hay không. Trong nghiên cứu mới, các tác giả sử dụng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu A (VEGF-A) để thúc đẩy quá trình trẻ hóa các cơ quan của con người trên động vật thí nghiệm.

Da người là mẫu vật lý tưởng để làm mô hình nghiên cứu lão hóa tiền lâm sàng nhưng hiếm khi được sử dụng cho mục đích đảo ngược quá trình lão hóa. Sự lão hóa của cơ thể có thể nhìn thấy đầu tiên qua độ đàn hồi của da và màu sắc tóc.

Do đó, các tác giả nhấn mạnh nghiên cứu này nhằm mục đích "hiện thực hóa mong muốn của người cổ đại là ngăn chặn hoặc đảo ngược quá trình lão hóa, trẻ hóa làn da con người".

Các tế bào lão hóa là hiện tượng không thể đảo ngược, xảy ra khi quá trình phân chia tế bào tự nhiên không còn trong mô người. Nó còn gây ra nhiều bệnh lý liên quan khác như Alzheimer, tiểu đường type II và ung thư.

Giới khoa học đã biết trong môi trường thí nghiệm, việc loại bỏ các tế bào già nua khỏi mô giúp làm chậm quá trình lão hóa do tuổi tác, từ đó kéo dài tuổi thọ. Song, đó vẫn chỉ là lý thuyết. Từ lý thuyết đến thực hành là thách thức mà hàng trăm năm con người vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời.

Đây không phải lần đầu tiên giới nghiên cứu nỗ lực tìm kiếm cách “cải lão hoàn đồng” cho loài người. Tháng 11/2021, nhóm chuyên gia của 4 đại học và hãng dược tại Mỹ đã phát hiện phương pháp mới nhằm loại bỏ sự tích tụ của các tế bào già nua. Họ sử dụng kháng thể như một “quả bom thông minh”, được thiết kế để nhận biết và tiêu diệt các tế bào bị oxy hóa, điều chế thành hợp chất thuốc Senolytics.

Lấy ý tưởng từ việc sao chép liệu pháp điều trị ung thư, nhóm chuyên gia chỉnh sửa một loại kháng thể để nó có thể nhận ra những tế bào đã bị lão hóa. Sau đó, chúng đưa chất độc đặc biệt vào tế bào lão hóa và tiêu diệt từ bên trong. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới thành công ở cấp độ phòng thí nghiệm. Nhóm chuyên gia cũng chia sẻ họ rất kỳ vọng vào kết quả này và sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người trong thời gian tới.

Tháng 10/2020, một start-up gây tiếng vang vì chuyên nghiên cứu phương pháp đảo ngược sự lão hóa, hứa hẹn có thể giúp con người trông trẻ trung hơn so với tuổi tác. Công nghệ của hãng dược nay dựa trên phương pháp xử lý protein để các tế bào trong cơ thể trở lại trạng thái như tế bào gốc, từ đó ngăn chặn và đảo ngược quá trình lão hóa, giúp con người duy trì được sự trẻ trung và trường thọ.

Cập nhật: 27/06/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video