Ngày 15/3, trong khi đang đào đất làm gạch nung, công nhân một lò gạch tại xóm 1, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã bất ngờ đào được chiếc rìu đá cổ nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5m, có niên đại khoảng 5.000 năm về trước.
Chiếc rìu đá được mài nhẵn bóng và lưỡi rất sắc
Người may mắn đào được cổ vật nói trên là ông Nguyễn Văn Sánh, một công nhân đến từ tỉnh Thanh Hoá.
Sau khi đưa chiếc rìu lên khỏi mặt đất, ông Sánh cùng một tốp công nhân rửa sạch lớp vỏ hàu mục bám đầy bên ngoài. Lúc này chiếc rìu đá có màu đen xám, dài 15cm, rộng 7cm, dày khoảng 4cm. Phía trước rìu có cán hình tròn, bao quanh bề mặt rìu xuất hiện nhiều vệt vân đá theo hình xoắn. Ở phần lưỡi có hình thang, vát được mài nhẵn bóng và lưỡi rất sắc…
Dù chưa tiếp cận được rìu đá, nhưng sau khi xem ảnh về chiếc rìu, ông Nguyễn Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh nhận định, đây là loại rìu được cư dân cổ xưa chế tác với kỹ thuật gè đẽo và mài mịn, có niên đại vào thời kỳ tiền Đông Sơn, thời đại đá mới, cách đây khoảng 4.500 đến 5.000 năm.