Phát hiện "sao Mộc thứ hai" cách Trái đất 17.000 năm ánh sáng

Phân tích kho dữ liệu hình ảnh cũ từ kính viễn vọng không gian Kepler tiết lộ một ngoại hành tinh khí khổng lồ rất giống sao Mộc.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí Monthly Notices của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh, nhóm nghiên cứu do Đại học Manchester dẫn đầu đặt tên cho vật thể mới là K2-2016-BLG-0005Lb. Đây là ngoại hành tinh xa xôi nhất từng được phát hiện bởi kính viễn vọng không gian Kepler, xa hơn gấp đôi so với kỷ lục trước đó khi nằm cách Trái đất tới 17.000 năm ánh sáng.


Mô phỏng ngoại hành tinh giống sao Mộc. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/R. Hurt)

K2-2016-BLG-0005Lb được ví như sao Mộc thứ hai có nhiều điểm tương đồng với hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời. Nó cũng là một hành tinh khí khổng lồ, nặng bằng 1,1 lần sao Mộc (gấp đôi tổng khối lượng của tất cả các hành tinh còn lại trong Hệ Mặt trời) và đang quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách tương tự.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện vật thể xa xôi này khi phân tích kho dữ liệu hình ảnh cũ được Kepler thu thập từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2016. Họ sử dụng một kỹ thuật được gọi là khuếch đại hấp dẫn, xác định ngoại hành tinh bằng cách theo dõi trường hấp dẫn của nó ảnh hưởng đến độ sáng của ngôi sao chủ. Cụ thể, khi một hành tinh bay qua phía trước ngôi sao, lực hấp dẫn của nó có thể bẻ cong và phóng đại ánh sáng của ngôi sao đó.


Mô phỏng K2-2016-BLG-0005Lb làm thay đổi độ sáng của sao chủ. (Video: Đại học Manchester)

"Để thấy được hiệu ứng trên, cần có sự liên kết hoàn hảo giữa hành tinh ở phía trước và ngôi sao ở phía sau. Cơ hội để thấy một ngôi sao nền bị ảnh hưởng theo cách này chỉ là một trên hàng chục triệu hoặc hàng trăm triệu", Tiến sĩ Eamonn Kerins từ Đại học Manchester, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.

Những phát hiện như K2-2016-BLG-0005Lb có thể cách mạng hóa hiểu biết của các nhà khoa học về ngoại hành tinh, cũng như cấu trúc Hệ Mặt trời của chúng. Đó là sự khởi đầu cho nỗ lực tìm kiếm những thế giới mới có khả năng hỗ trợ sự sống.

Kepler được phóng vào năm 2009 với mục tiêu chính là khám phá các hành tinh xa xôi có kích thước như Trái đất, chứ không phải các hành tinh khí khổng lồ. Sau 9 năm hoạt động trên quỹ đạo, kính thiên văn của NASA đã cạn kiệt nhiên liệu và "nghỉ hưu" từ ngày 30/10/2018. Đến nay, Kepler đã giúp các nhà thiên văn học xác định hơn 2.700 hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.

Cập nhật: 06/04/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video