Các nhà khảo cổ học vừa tìm ra bằng chứng cho thấy việc có hàng ngàn người thuộc gần 400 bộ lạc ở Đức đã chết khi tham gia chiến tranh với một nhóm người bí ẩn tại Đan Mạch.
Theo tờ Live Science, khoảng 2.000 năm trước, một đội quân hàng ngàn người được tập hợp từ gần 400 bộ lạc ở Đức đã tham gia vào cuộc chiến chống lại sự xâm lược của một nhóm người bí ẩn tại Đan Mạch và họ đã bị giết sạch. Toàn bộ thi thể của các chiến binh được chôn cất tập thể một cách qua loa tại khu vực Alken Enge thuộc thung lũng sông Illerup, ở phía Đông Jutland, Đan Mạch.
Các xương chậu của người được cắm lên cùng 1 cành cây khiến các nhà khoa học liên tưởng về một phong tục man rợ.
Kể từ năm 2009 đến năm 2014, các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 2.095 khúc xương của các chiến binh tử trận nằm tại những vùng than bùn và hồ trầm tích trên 185 mẫu đất ngập nước ở Đông Jutland. Toàn bộ xương này đều là của đàn ông và nhờ vào việc phân tích carbon phóng xạ, các nhà khoa học đã kết luận họ đều có độ tuổi từ 20-40 tuổi.
Đáng chú ý, các bộ xương được tìm thấy thường có sự trộn lẫn với nhau, không được sắp xếp gọn gàng. Đồng thời, có rất ít hộp sọ còn nguyên vẹn, đa phần đều bị đập vỡ. Qua đó, các nhà khoa học khẳng định rằng đây là một cuộc tàn sát dã man trong chiến tranh.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy một số mẫu răng của loài gặm nhấm và chó sói nằm giữa những mẩu xương. Điều này cho thấy, các chiến binh tử trận không được chôn cất đàng hoàng nên trở thành thức ăn cho một số loài động vật sống trong khu vực đó.
Điều đáng nói ở đây là, trong số các chiến binh tử trận có một số bị xẻ đôi ra rồi cắm lên những cành cây ở các vị trí khác nhau. Qua đó, khiến các nhà khoa học nghĩ tới việc đây có thể là một cuộc chiến kèm theo nghi lễ rùng rợn nào đó.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu cũng như tiếp tục các cuộc khảo cổ học nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh đáng sợ này.