Phát hiện cụm thiên hà khổng lồ cách Trái đất 8,5 tỷ năm ánh sáng

  •  
  • 3.601

Các nhà thiên văn học đã phát hiện một tập hợp khổng lồ các thiên hà trong khu vực vô cùng xa xôi của vũ trũ nhờ kính viễn vọng không gian Spitzer và Wide-field Infrared Survey Explorer (WISE) của NASA.

Tập hợp thiên hà cách Trái đất 8,5 tỷ năm ánh sáng là cấu trúc lớn nhất từ trước đến giờ được tìm thấy ở khoảng cách xa như vậy. Tập hợp này chứa tới hàng ngàn thiên hà, bản thân mỗi thiên hà lại chứa hàng trăm tỷ ngôi sao.

Các thiên hà lớn dần lên theo thời gian vì được bổ sung thêm các “thành viên” mới. Peter Eisenhardt, nhà khoa học của NASA, đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Dựa trên sự hiểu biết của chúng tôi về các cụm thiên hà phát triển trong vũ trụ, đây là một trong 5 tập hợp lớn nhất tồn tại”.

Phát hiện cụm thiên hà khổng lồ cách Trái đất 8,5 tỷ năm ánh sáng 
Cụm thiên hà khổng lồ.

Phát hiện cụm thiên hà khổng lồ được gọi là MOO J1142 + 1527 tồn tại cách Trái đất khoảng 8,5 tỷ năm trước đây. Các thiên hà đỏ ở trung tâm của hình ảnh, là trung tâm của cụm thiên hà.

Trong năm 2016, nhóm nghiên cứu dự tính sẽ sàng lọc để tìm kiếm thiên hà lớn nhất trong tập hợp. “Một khi tìm thấy cụm thiên hà lớn nhất, chúng tôi có thể bắt đầu xem xét sự tiến hóa của các thiên hà trong môi trường khắc nghiệt”, ông Gonzalez, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Bởi vì ánh sáng cần có thời gian để đến với Trái đất nên chúng ta có thể nhìn thấy các vật ở rất xa như là chúng đang tồn tại trong quá khứ.

Ví dụ, chúng ta đang nhìn thấy những cụm thiên hà mới được phát hiện - được gọi là Massive Object Overdense (MOO) J1142 + 1527 - hiện hữu khoảng 8,5 tỷ năm trước, rất lâu trước khi Trái đất hình thành.

Trong những hình ảnh thu được từ kính viễn vọng Spitzer, những thiên hà xa xôi có màu đỏ, thiên hà nào gần hơn sẽ có màu trắng.

Theo các nhà khoa học, tập hợp thiên hà MOO J1142+1527 có thể là 1 trong số rất ít những cụm thiên hà xuất hiện cổ xưa từ thời kỳ đầu khi vũ trụ hình thành.

Theo ĐSPL
  • 3.601