Ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ trên thế giới, hàng năm có khoảng gần 500.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung trong đó hơn một nửa bị tử vong. Đây cũng là bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ Việt Nam. Căn bệnh này đã trở thành gánh nặng cho riêng phái nữ, gia đình và cộng đồng.
Ung thư cổ tử cung là ung thư phần dưới của tử cung hay còn gọi là dạ con. Khi các tế bào ở cổ tử cung biến đổi bất thường và phát triển quá mức thì sẽ nhanh chóng biến đổi thành ung thư. Các chuyên gia y tế khuyến cáo: phụ nữ bắt đầu có quan hệ tình dục sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV, loại vi rút nguy hiểm là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.
Quá trình diễn tiến từ nhiễm virus đến ung thư thường lâu dài, từ loạn sản nhẹ, vừa, nặng đến ung thư tại chỗ (giai đoạn tổn thương có thể phục hồi và chữa khỏi hoàn toàn) đến ung thư xâm lấn (không có khả năng phục hồi). Không phải ai nhiễm các chủng HPV "độc" cũng bị ung thư cổ tử cung. Bệnh này thường xuất hiện khi có thêm các yếu tố nguy cơ như quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, vệ sinh kém, suy giảm miễn dịch, đẻ, nạo hút hay sẩy thai nhiều lần... Những tổn thương này tạo điều kiện cho virus HPV dễ tiếp cận hơn với lớp tế bào đáy cổ tử cung, vốn nằm sâu bên dưới. Sau khi xâm nhập, HPV gây biến đổi các tế bào này. Trải qua nhiều năm, tế bào trở thành ác tính.
Chính vì vậy mà theo lời khuyên của các bác sĩ, phụ nữ từ 30 - 49 tuổi hãy thường xuyên đến các cơ sở y tế để khám và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Loại ung thư nếu phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ khó chữa trị và có nguy cơ tử vong rất cao. Ở Việt Nam, đây là loại bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ. Thống kê trong riêng năm 2005 của viện Ung thư quốc gia cho thấy có thêm 7000 phụ nữ được phát hiện ung thư cổ tử cung, già nửa trong số này đã tử vong.