Các mảnh vải cổ xưa sử dụng thuốc nhuộm từ động vật thân mềm ở Địa Trung Hải, cho thấy người mặc có kinh tế tốt và địa vị cao.
Đại học Tel Aviv (TAU) hôm 27/1 thông báo, phát hiện các mảnh vải dệt, tua vải và sợi len nhuộm màu tím hoàng gia tồn tại từ khoảng năm 1.000 trước Công nguyên tại thung lũng Timna, vùng sản xuất đồng cổ xưa ở miền nam Israel. Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia từ TAU, Đại học Bar Ilan và Cơ quan Cổ vật Israel. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PLOS ONE.
Vải tím 3.000 năm tuổi phát hiện tại thung lũng Timna. (Ảnh: Dafna Gazit/ Cơ quan Cổ vật Israel).
Thuốc nhuộm được chế tạo từ động vật thân mềm ở biển Địa Trung Hải, cách Timna hơn 300 km. Kinh Thánh và nhiều văn bản của Do Thái cũng như Cơ Đốc giáo từng nhiều lần nhắc đến loại thuốc nhuộm này.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy vải nhuộm tím thời Đồ Sắt ở khu vực Nam Levant. "Thời xa xưa, trang phục tím gắn liền với các thầy tế, quý tộc và hoàng gia. Màu tím lộng lẫy, không phai và rất khó chế tạo nên được đánh giá cao nhất, mức giá thường cao hơn vàng", nhóm nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, các loại thuốc nhuộm từ động vật cũng quý hơn nhiều so với loại phổ biến có nguồn gốc thực vật. Chúng cũng là dấu hiệu quan trọng chỉ ra, người mặc có kinh tế tốt và địa vị xã hội cao.
Các chuyên gia cũng phát hiện một trong những mảnh vải cổ xưa được nhuộm bằng phương pháp nhuộm kép. Người xưa đã sử dụng hai loài động vật thân mềm để làm đậm màu nhuộm. "Phát hiện mới cho thấy đây là một xã hội phân tầng và có quan hệ mua bán với vùng đồng bằng ven biển vì động vật thân mềm xuất xứ từ Địa Trung Hải", nhóm nghiên cứu nhận định.