Phát hiện "Vạn Lý Trường Thành" của Siberia

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện dấu tích của những dãy tường thành lớn gần dãy núi Altai, Siberia.

Nhóm nghiên cứu do giáo sư Andrey Borodovsky dẫn đầu vừa phát hiện ra những dãy tường thành có niên đại hơn 3.000 năm ở Siberia, Nga, Siberian Times hôm 15/8 đưa tin.

Trường thành này là 6 dãy tường song song bảo vệ dãy Altai khỏi bị tấn công từ phía bắc thông qua thung lũng sông Katun. Tường thành rộng đến 10m với độ cao 8m. "Phía đông những bức tường này là một lối đi khá rộng bị các dãy tường khác chặn ở sườn núi", giáo sư Borodovsky cho biết.


Các nhà khoa học nghiên cứu những bức tường thành nằm dưới lớp đất dày. (Ảnh: Andrey Borodovsky).

Nằm sát sườn núi là 9 dãy tường thành. "Chắc chắn những dãy tường này nhằm hạn chế người qua lại, buộc họ phải đi một con đường hẹp hơn theo hướng những người xây tường muốn", giáo sư Borodovsky khẳng định.

Một số phần tường đã bị phá hủy trong quá trình xây dựng đường cao tốc Chuya thời Sa hoàng. Phần tường phía tây gần như biến mất hoàn toàn trong quá trình mở rộng của làng Souzga, khiến việc chụp ảnh và nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.

Cho đến nay, các bằng chứng khảo cổ về dấu vết của con người ở những khu vực xung quanh tường thành đều vào thời Trung cổ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Viện Khảo cổ và Dân tộc học tại Novosibirsk tin rằng họ sẽ tìm được các bằng chứng về việc xây dựng tường thành này ở thời kỳ sớm hơn.


Sơ đồ các dãy tường thành nhằm bảo vệ dãy Altai khỏi sự tấn công từ phía bắc. (Ảnh: Andrey Borodovsky).

Giáo sư Borodovsky dự đoán, các dãy tường được xây dựng trong khoảng 1000 năm trước Công nguyên, có thể là thời kỳ Đồ Sắt hoặc Đồ Đồng, nhưng khả năng thời kỳ Đồ Sắt cao hơn.

"Tôi dựa vào việc người ta xây những công trình như vậy khắp nơi trong thời kỳ đó, chẳng hạn như tường thành Hadrian nổi tiếng. Vấn đề là những bằng chứng khảo cổ tìm thấy xung quanh tường thành đến lúc này đều thuộc thời Trung cổ", giáo sư Borodovsky cho biết.

Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng thời Trung cổ, nơi đây chưa có cộng đồng nào đủ lớn để xây dựng một công trình vĩ đại như thế. Bên cạnh đó, họ cũng không cần xây tường thành vì thời Trung cổ, có rất nhiều cộng đồng nhỏ nằm rải rác tại đây.


Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) được xây dựng chủ yếu vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. (Ảnh: iStock).

"Mọi công trình phòng thủ ấn tượng ở lục địa Á Âu đều được xây dựng trong giai đoạn đầu những năm 1000 trước Công nguyên đến khoảng 500 năm sau Công nguyên. Đây là giai đoạn cuối Đồ Đồng - đầu Đồ Sắt, bao gồm cả thời người Hung trước thời kỳ Đại di cư", giáo sư Borodovsky bổ sung.

Để giải thích cặn kẽ, ông đưa ra ba lý do. Thứ nhất, thời kỳ này có nguồn nhân lực dồi dào do triển vọng phát triển nền kinh tế sản xuất hội nhập. Thứ hai, những mâu thuẫn quân sự trở nên trầm trọng và quy mô hơn. Cuối cùng, các nhà nước lớn và nhóm dân cư ở dạng sơ khai của nhà nước dần hình thành với ranh giới kinh tế, văn hóa, chính trị nhằm ngăn cách người ngoài.

Giáo sư Borodovsky cũng nêu một vài công trình nổi bật được xây dựng trong thời kỳ này như Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), tường thành Hadrian (Anh) và tường thành Serpent (Ukraine).

Cập nhật: 21/08/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video