Các nhà khảo cổ học Bỉ vừa phát hiện một hầm mộ kỳ lạ, được xác định 1.000 năm tuổi ở Peru. Bên trong hầm mộ này chứa hơn 80 bộ xương và xác ướp, trong đó rất nhiều là của trẻ sơ sinh.
>>> Phát hiện hầm chôn khỏa thân bí ẩn ở Peru
Được tạc vào đất và có mái che bằng lau sậy được thân cây nâng đỡ, hầm mộ là một phòng ngầm hình bầu dục, dài 18,3m, tọa lạc trong khu vực Pachacamac, cách thủ đô Lima của Peru khoảng 32km về phía nam.
Khu vực khảo cổ Pachacamac
Nhóm khảo cổ học đến từ trường đại học Université libre de Bruxelles (Bỉ) đã phát hiện hầm mộ ở phía trước Đền thờ thần Pachacamac. Điều gây kinh ngạc là nó gần như còn nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá, cướp bóc của những kẻ xâm lược thuộc địa.
Theo các chuyên gia, hơn một chục trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã bị chôn vùi quanh khu vành đai, với đầu hướng về phía hầm mộ. Căn phòng chính được chia làm 2 phần, ngăn cách nhau bằng một bức tường gạch bùn, vốn đóng vai trò như nền chôn cất nhiều thi thể khác nữa.
Bên trong các căn phòng của hầm mộ, nhóm khảo cổ tìm thấy phần còn lại của hơn 70 bộ xương và xác ướp, tất cả trong tư thế đặc trưng của bào thai.
Các cuộc an táng bao gồm người thuộc cả 2 giới tính và các độ tuổi khác nhau. Họ thường được chôn cất kèm các vật cúng tế như bình, chậu bằng gốm, chó, chuột lang, các đồ tạo tác bằng hợp kim vàng - đồng và mặt nạ sơn gỗ.
Trang Discovery dẫn lời nhà khảo cổ học Peter Eeckhout, người đã nghiên cứu tại khu khảo cổ Pachacamac suốt 20 năm qua, nói: “Tỉ lệ người trưởng thành/trẻ em được chôn cất trong hầm mộ này cao bất thường. Hiện tại, chúng tôi có 2 giả thuyết: Đây là hoạt động hiến sinh người, hoặc là quá trình tập kết thi thể trẻ em tử vong vì các nguyên nhân tự nhiên, lưu giữ chúng cho tới khi phân hủy trong hầm mộ vì đặc điểm nhất định nào đó”.