Tại di chỉ Tam Tinh Đôi nổi tiếng, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện một xưởng chế tác đá và ngọc cổ đại, cùng một loạt tác phẩm quý giá.
Theo Tân Hoa Xã, xưởng chế tác đá và ngọc ở Tam Tinh Đôi có niên đại hơn 3.400 năm, là một phần của một thành phố cổ được quy hoạch tỉ mỉ thuộc địa phận tỉnh Tứ Xuyên - trung Quốc ngày nay.
Di chỉ Tam Tinh Đôi ở Tứ Xuyên - Trung Quốc - (Ảnh: TÂN HOA XÃ)
Các hiện vật mới được tìm thấy bên trong công trình cổ đại này bao gồm ngọc thô và vật liệu đá, vật liệu phế thải, mảnh vỡ và thành phẩm... cho thấy một mô hình xưởng thủ công tương đối hoàn chỉnh.
"Việc phát hiện ra xưởng chế tác này đã làm sáng tỏ một số bí ẩn, chẳng hạn như nguồn gốc của số lượng lớn nguyên liệu đá và ngọc bích được tìm thấy ở Tam Tinh Đôi các kỹ thuật được sử dụng để chế tác chúng, quy trình sản xuất và phương pháp phân phối liên quan" - nhà khảo cổ phụ trách khu vực Ran Honglin cho biết.
Phát hiện này cũng giúp giải thích một lượng lớn hiện vật bằng đá và ngọc khác từng được phát hiện trong khu vực trước đó, với nhiều điểm đặc sắc trong kỹ thuật chế tác.
Một số hiện vật bằng ngọc bích được tìm thấy trong "xưởng châu báu" cổ đại - (Ảnh: TÂN HOA XÃ).
Di chỉ Tam Tinh Đôi đã được phát hiện từ cuối những năm 1920 tại TP Quảng Hán của tỉnh Tứ Xuyên.
Nhiều cuộc khai quật đã được thực hiện, trong đó chuỗi khai quật lớn từ năm 2022 đã xác định thêm hơn 400 địa điểm bên trong di chỉ, bao gồm các nền móng xây dựng cao, hố tro, mương tro và một số xưởng thủ công.
Điều này đã nâng tổng số di tích lẻ được tìm thấy trong cụm di chỉ lên tới con số 60.000. Cuộc khai quật từ năm 2022 cũng đem về hơn 4.000 hiện vật, bao gồm đồ gốm, đồ ngọc và đồ đá.
Tam Tinh Đôi được cho là phế tích của một thành phố cổ thuộc nước Thục, rộng 12km2 và có niên đại khoảng 4.500 đến 3.000 năm.
Còn nước Thục - với kinh đô đặt tại Thành Đô - bị nhà Tần đánh bại vào năm 391 trước Công nguyên.
Theo các nhà khảo cổ Trung Quốc, những khám phá tại Tam Tinh Đôi cho thấy nền văn hóa rực rỡ và tráng lệ của vương quốc cổ xưa này, rất quan trọng để hiểu được trọn vẹn sự phát triển của nền văn minh Trung Quốc thời kỳ đó.