Một chiếc mặt nạ bằng vàng có niên đại hơn 3.000 năm đã được tìm thấy trong số hàng trăm di vật được khai quật từ hố hiến tế ở phía tây nam Trung Quốc.
Cục Di sản Văn hóa tỉnh Tứ Xuyên cho biết chiếc mặt nạ vàng và nhiều di vật khác được phát hiện nằm tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Sanxingdui), một địa điểm khảo cổ ở bên ngoài Thành Đô, CNN đưa tin ngày 14/9.
Theo Tân Hoa Xã, chiếc mặt nạ vàng được phát hiện vào tháng 6 nhưng lần đầu tiên được công bố vào đầu tháng 9, nặng khoảng 100 gram và có thể là một phần của một cái đầu lớn bằng đồng chứ không phải vật thể độc lập.
Mặt nạ được cho là có nguồn gốc từ cuối triều đại nhà Thương, kết thúc vào năm 1046 TCN.
Một chiếc mặt nạ bằng vàng có niên đại hơn 3.000 năm đã được tìm thấy ở Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cổ vật này là một trong số khoảng 500 vật phẩm được phát hiện từ các hố khai quật những tháng gần đây.
Một số di vật khác cũng được phát hiện bao gồm cổ vật bằng ngà voi, con dao bằng ngọc, bình nghi lễ được gọi là “zun” cùng nhiều bức tượng nhỏ bằng đồng.
Các nhà khảo cổ đã tạo ra bước đột phá tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Sanxingdui) vào giữa những năm 1980, khi tìm thấy hai hố nghi lễ chứa hơn 1.000 món đồ, bao gồm cả những chiếc mặt nạ bằng đồng được bảo quản phức tạp và công phu.
Sau một thời gian dài tạm dừng khai quật, người ta phát hiện ra hố thứ ba vào cuối năm 2019, và sau đó là 5 cái nữa vào năm 2020.
Nhiều đồ vật dường như được đốt theo nghi thức trước khi chôn cất, khiến các chuyên gia tin rằng những chiếc hố này được sử dụng cho mục đích tế lễ.
“Những khám phá mới một lần nữa chứng minh rằng trí tưởng tượng và sức sáng tạo của người Trung Quốc cổ đại đã vượt xa những gì mà ngày nay tưởng tượng”, Tang Fei, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên cho biết.
Di chỉ Tam Tinh Đôi được cho là nằm ở trung tâm của nước Thục trước đây. Nhiều đồ vật khai quật tại di chỉ hiện trưng bày tại một bảo tàng trong khuôn viên.
Mặc dù chưa được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO nhưng di chỉ Tam Tinh Đôi nằm trong “danh sách dự kiến” để xem xét trong tương lai.
Cơ quan Liên Hợp Quốc đã mô tả nơi này cùng một số địa điểm khảo cổ khác của nước Thục là “đại diện xuất sắc của nền văn minh thời đại đồ đồng Trung Quốc, Đông Á và thậm chí cả thế giới”.