Edmond Locard, biệt danh là Sherlock Holmes của Pháp, là người dựng phòng thí nghiệm pháp y đầu tiên trên thế giới ở Lyon.
Edmond Locard sử dụng một thiết bị chụp ảnh vào thập kỷ 1920. (Ảnh: Kho lưu trữ Lyon)
Bộ sưu tập hơn 20.000 tấm kính ảnh được phát hiện trong một garage ở thành phố Lyon tại Pháp năm 2005. Vào thời đó, nhà chức trách không có ngân sách để dựng lại những bức ảnh. Nguồn tài trợ đến từ một sử gia địa phương năm 2017 đã giúp bảo quản và kỹ thuật số hóa hơn 2/3 bộ sưu tập này. Kết quả hé lộ phòng thí nghiệm điều tra đầu tiên trên thế giới được tạo dựng năm 1910 bởi nhà tiên phong về khoa học pháp y, Edmond Locard, người có biệt danh Sherlock Holmes của Pháp, Interesting Engineering hôm 8/4 đưa tin.
Đi tới hiện trường và xâu chuỗi manh mối để tái tạo trình tự phạm tội rất phổ biến trong điều tra phá án ngày nay. Nhưng cách đây một thế kỷ, cảnh sát không điều tra vụ án như ngày nay. Phân tích chữ viết tay được xem như một kỹ thuật tiên tiến và thông qua đó, Locard bắt đầu sự nghiệp pháp y.
Người hướng dẫn của Locard là Alphonse Bertillon phát minh một phương pháp nhận dạng người, sử dụng kết quả đo cơ thể. Nhưng khi một sĩ quan người Do Thái bị buộc tội gián điệp, Bertillon được mời tới như một chuyên gia giám định chữ viết, dù ông không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Lời chứng nhận sai lầm của Bertillion góp phần dẫn tới scandal nổi tiếng trong ngành cảnh sát có tên vụ Dreyfus. Sự kiện này cũng thúc đẩy Locard gây dựng phòng thí nghiệm mà tại đó dấu vân tay, mẫu máu, tóc, bụi và phấn hoa đều có thể phân tích khoa học để dùng làm chứng cứ tại tòa.
Bộ sưu tập tấm kính ảnh từ phòng thí nghiệm đặt trong garage của Phòng cảnh sát pháp y quốc gia ở Ecully, Lyon, cho tới năm 2005. Dù đã chuyển tới kho lưu trữ trong thành phố, số kính ảnh này tiếp tục xuống cấp trong thập kỷ tiếp theo do thiếu nguồn lực. Năm 2017, lớp gelatin mỏng ở các bức ảnh bị nhiễm nấm mốc. Mãi tới khi sử gia về phong tục mai táng là Nicolas Delestre hỗ trợ tài chính, việc phục hồi ảnh chụp mới diễn ra. Những bức ảnh được kỹ thuật số hóa và hoàn thiện vào mùa xuân năm 2018 khi một cuốn tiểu sử về Locard chuẩn bị xuất bản.
Tính đến nay, các bức ảnh được công bố cho thấy đội ngũ của Locard làm việc với thiết bị và tiến hành thí nghiệm. Một trong những cách họ dùng để nhận dạng người là phân loại hình xăm cơ thể. Nguồn cảm hứng làm việc của Locard bao gồm anh em nhà Lumière, những nhà tiên phong về kỹ thuật điện ảnh và Arthur Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật Sherlock Holmes. Trong suốt cuộc đời mình, Locard cũng ngừng sử dụng một số kỹ thuật như phân tích chữ viết tay bởi ông cho rằng kết quả không đáng tin cậy. Nghiên cứu pháp y của Locard cách đây hơn một thế kỷ có thể truyền cảm hứng cho các chuyên gia ngày nay. Mô tả chi tiết về ảnh chụp phòng thí nghiệm pháp y của Locard được chia sẻ trên tạp chí Nature.