Máy bay DC-8 trang bị hệ thống cảm biến tiên tiến là phòng thí nghiệm khoa học trên không lớn nhất thế giới đã chuyển đổi thành công cụ tập huấn dưới đất sau 37 năm bay trên không.
Sau hơn 3 thập kỷ hoạt động và 158 nhiệm vụ khoa học, Phòng thí nghiệm khoa học trên không DC-8 nổi tiếng của NASA đã thực hiện chuyến bay cuối cùng, theo Interesting Engineering. Hôm 15/5, máy bay hạ cánh ở Đại học Idaho tại Pocatello, nơi phương tiện sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành công cụ tập huấn cho Chương trình công nghệ bảo dưỡng máy bay của trường. Sự chuyển đổi này sẽ cung cấp cho những kỹ thuật viên máy bay tương lai kinh nghiệm thực tế vô giá.
DC-8 bay phía trên Trung tâm nghiên cứu bay Dryden. (Ảnh: NASA).
Từ nhiệm vụ đầu tiên vào năm 1987, DC-8 đã trở thành phòng thí nghiệm khoa học bay lớn nhất thế giới. Phương tiện góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học trên toàn cầu, với những nhiệm vụ trải khắp Nam Cực, Greenland, Thái Lan,... Thông qua tạo điều kiện cho giới khoa học khám phá những câu hỏi thiết yếu về Trái đất, chương trình Khoa học trên không của NASA nói chung và DC-8 nói riêng giúp tăng cường hiểu biết về môi trường và hệ thống của Trái đất.
NASA thiết kế máy bay phản lực Douglas DC-8 cải tiến như một phòng thí nghiệm khoa học bay tinh vi ở Trung tâm nghiên cứu bay Armstrong tại Palmdale, California. Máy bay này là công cụ quan trọng nhằm thu thập dữ liệu hỗ trợ hàng loạt dự án khoa học cho các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Được trang bị để thu thập dữ liệu cả ở độ cao bay lẫn thông qua cảm biến từ xa, DC-8 đóng góp vào nhiều lĩnh vực đa dạng như khảo cổ, sinh thái học, địa lý, thủy văn, thiên văn, hải dương học, núi lửa học, hóa học khí quyển, băng quyển, đất và sinh vật học.
DC-8 thực hiện 4 loại nhiệm vụ chính là phát triển cảm biến, kiểm nghiệm cảm biến vệ tinh, thu thập dữ liệu đo xa và theo dõi quang học khi các phương tiện phóng hoặc hồi quyển, cũng như tiến hành nghiên cứu bề mặt và khí quyển Trái đất. Trong 30 năm qua, DC-8 đã trở thành phần không thể thiếu với nhiệm vụ khoa học Trái đất của NASA và đặc biệt nổi bật trong những dự án khoa học như Operation IceBridge, hoạt động hàng năm nhằm khảo sát băng vùng cực. Trong dự án, DC-8 bay qua Nam Cực từ căn cứ ở Punta Arenas, Chile, và tiến hành khảo sát tương tự đối với Bắc Cực từ căn cứ ở Greenland.
Năm 2004, DC-8 trải qua chuyến thám hiểm AirSAR 3 tuần khắp Trung Mỹ và Nam Mỹ. Đây là một trong những nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện nhất của nó. Một nhóm nghiên cứu quốc tế sử dụng Radar khẩu độ tổng hợp trên không (AirSAR), công cụ chụp ảnh trong mọi thời tiết tiên tiến, để mở rộng khả năng thăm dò. Được phát triển bởi Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, cảm biến độ phân giải cao của AirSAR hoạt động ở nhiều bước sóng và chế độ, có thể xuyên qua đám mây và thu thập dữ liệu vào ban đêm. Dữ liệu của AirSAR giúp xác định liệu xu hướng ấm lên hiện nay đang chậm lại, tiếp tục hay đẩy nhanh, đồng thời cung cấp kết quả đo đáng tin cậy về độ dày thềm băng, qua đó đánh giá vai trò của sông băng với mực nước biển tăng lên.