Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia Châu Á khác cũng tổ chức Tết Trung thu vào ngày 15/8 âm lịch.
Phong tục đón Tết Trung Thu của các quốc gia trên thế giới
- Việt Nam - Tết Trung thu là của thiếu nhi
- Trung Quốc - Trung thu là Tết đoàn viên
- Nhật Bản - Lễ hội ngắm trăng
- Hàn Quốc - Lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên
- Triều Tiên - Lễ hội đêm Thu
- Singapore – Trung thu diễn ra sôi động
- Philippines, Indonesia: Các đoàn lân tràn ngập các con phố người Hoa
- Malaysia – Trung thu là mùa lễ hội
- Myanmar – Trung Thu rực rỡ ánh sáng khắp nơi
- Lào – Trung thu là lễ hội trăng phước lành
- Campuchia – Trung thu là lễ “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng)
- Thái Lan – Trung thu là “Tết cầu trăng”
- Đài Loan - Tiệc thịt nướng ngoài trời
Việt Nam - Tết Trung thu là của thiếu nhi
Trung thu ở Việt Nam là ngày Tết của thiếu nhi, gắn với truyền thuyết về Hằng Nga, Chú Cuội trông trăng. Các em nhỏ thường rước đèn ông sao, đeo mặt nạ và lập thành đoàn múa sư tử, đánh trống rất rôm rả.
Trong dịp này, người Việt thường bày bánh trái ra sân để cúng mặt trăng. Riêng trẻ em rất háo hức chờ đón dịp Trung thu bởi đây là thời điểm các em được người thân mua cho nhiều đồ chơi, bánh kẹo. Có những loại bánh đặc trưng mà thường chỉ dịp Trung thu mới có như: bánh dẻo, bánh nướng… Đồ chơi truyền thống của trẻ em ngày xưa gồm đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn con giống… và không đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã như hiện nay.
Ở nhiều nơi, Trung thu là dịp mở cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Trẻ em sẽ tham dự các cuộc rước đèn, thi hát trống quân. Khi trăng đã lên cao, các bé ngồi quây quần quanh mâm cỗ gồm nhiều loại bánh trái, hoa quả , cùng tham dự cỗ trông trăng và phá cỗ cho tới đêm khuya. Mâm cỗ trông trăng tuyền thống của trẻ em Việt Nam thường có bánh nướng, bánh dẻo, chú chó làm bằng tép bưởi và một số loại quả đặc trưng của mùa thu như chuối, hồng ngâm, thị, na, mía…
Trung Quốc - Trung thu là Tết đoàn viên
Trong phong tục của người Hoa, tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. Bất cứ ai làm ăn ở xa xôi ở đâu, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên.
Sau bữa cơm sum họp, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau thưởng nguyệt (ngắm trăng) và ăn bánh trung thu dưới ánh đèn lồng lung linh. Một trong những hoạt động không thể thiếu được trong dịp Trung thu của người Hoa đó là rước đèn lồng và múa rồng lửa. Người dân tin rằng rồng lửa sẽ mang lại nhiều may mắn và an lành tới mỗi gia đình.
Người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố trong dịp này. Trong đêm Rằm người ta sẽ thả đèn trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân. Họ cũng có lễ rước đèn cho trẻ em, múa lân sư rồng và chú tễu nhảy múa trên phố.
Bánh trung thu ở Trung Quốc gần giống với bánh ở Việt Nam, lớp bánh làm mỏng, bên trong có nhân đậu xanh, hạt sen, trứng muối, được nướng và ngon nhất khi bánh chín vàng đều. Ở mỗi vùng của Trung Quốc thì món bánh truyền thống này sẽ có sự biến tấu tùy khẩu vị. Hình tròn của bánh tượng trung cho sự viên mãn, đoàn tụ. Không khí những ngày tết Trung thu ở Trung Quốc vô cùng vui vẻ, trẻ con nô đùa suốt cả ngày.
Nhật Bản - Lễ hội ngắm trăng
Lễ hội Trung thu được du nhập vào Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước. Nhưng khác với người dân Trung Quốc ăn bánh ngắm trăng thì người Nhật Bản lại ăn xôi nắm trong ngày tết Trung thu. Lễ hội Trung thu ngày Rằm tháng 8 Âm lịch được gọi là “thập ngũ dạ” (đêm mười lăm) hoặc “Trung thu danh nguyệt” (Trung thu trăng sáng).
Mặc dù, sau thời Minh Trị Duy Tân (khoảng cuối thế kỷ 19), Nhật Bản đã hủy bỏ nông lịch, đổi thành dương lịch, nhưng cho đến nay khắp nơi trên đất nước Nhật Bản vẫn còn gìn giữ tập tục ngắm trăng vào đêm Trung thu, một vài tự viện và đền thờ vẫn tổ chức hội ngắm trăng đặc biệt vào dịp lễ này.
Trong dịp lễ này, người Nhật ngắm trăng và ăn những món ăn truyền thống, đặc biệt là bánh Tsukimi dango – bánh nếp nhỏ và tròn trịa tượng trưng cho trăng trên trời. Ngoài ra, trong lễ Trung thu còn có các món ăn như khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen.
Hàn Quốc - Lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên
Đối với người Hàn Quốc thì đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm (còn được gọi là Chuseok hay Hangawi), cũng được diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch, đây là lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc…
Đây là một dịp để các thành viên trong gia đình được đoàn tụ và cùng nhau thưởng trăng và ăn tiệc, các gia đình bày bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm được phủ rong biển, đỗ, lạc… bên ngoài và các loại thức ăn khác lên bàn thờ. Đây cũng là dịp mọi người tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Họ thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ngày tết Thanh minh. Trẻ em thì mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh trung thu.
Bánh trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon. Được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông. Có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với màu hồng, xanh đậm, vàng…
Dịp này, người dân sẽ mặc áo Hanbok, ăn những món ăn truyền thống như bánh songpyeon, thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và uống rượu sindoju...
Triều Tiên - Lễ hội đêm Thu
Người Triều Tiên gọi tết Trung thu là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Các gia đình hấp bánh và mang biếu tặng cho nhau. Bánh có hình nửa vầng trăng, làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo,...Vì lúc hấp, đệm lót có sự giãn nở nên có tên gọi như vậy.
Đến lúc trời sập tối, họ cùng nhau vừa thưởng nguyệt, vừa tiến hành thi kéo co, vật, hoặc biểu diễn ca múa. Các cô gái trẻ mặc những chiếc trang phục đẹp lộng lẫy trong ngày lễ hội, vui vầy dưới gốc đại thụ, cùng chơi trò chơi đu dây.
Singapore – Trung thu diễn ra sôi động
Ở Singapore, Tết Trung Thu còn gọi là Lễ Hội Lồng Đèn hoặc Lễ Hội Bánh Trung Thu. Tết Trung Thu tính theo lịch âm là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Phố phường những ngày này được giăng đèn lồng và trưng các biểu tượng biểu trưng cho ngày hội.
Đối với người dân quốc đảo sư tử, Trung thu là thời điểm thích hợp để giao lưu thân tình, gửi lời cảm ơn và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân, bạn bè, đối tác kinh doanh.
Singapore là một đất nước du lịch nổi tiếng, người dân địa phương không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thu hút du khách trong dịp lễ này. Họ trang trí đường Orchard – thiên đường mua sắm, bờ sông, khu phố Tàu, Vườn Trung Hoa và nhiều địa điểm khác để chào đón khách du lịch trên toàn thế giới.
Tại đây, lễ đón Trung thu diễn ra sôi động. Tại quảng trường Sengkang, mọi người tập trung để trải nghiệm các trò chơi thú vị. Đây là dịp để cộng đồng người Hoa tại Singapore thể hiện góc văn hóa giàu có và đa dạng của mình tại khu Chinatown với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng chia sẻ niềm hạnh phúc bên những chiếc bánh thơm ngon và tách trà đậm đà.
Philippines, Indonesia: Các đoàn lân tràn ngập các con phố người Hoa
Hoa Kiều và người Hoa sinh sống tại Philippines hay Indonesia luôn có những hoạt động đặc sắc chào đón lễ hội trung thu hằng năm. Tại khu phố người Hoa, từng đoàn lân diễu hành tấp nập. Mọi người mặc trang phục dân tộc, đốt đèn lồng và ca hát tưng bừng.
Malaysia – Trung thu là mùa lễ hội
Những năm gần đây, vào dịp Trung thu, ở Malaysia ngoài lễ hội Bánh Trung thu (19-21/9) còn có lễ hội đèn lồng vào ngày 16/9. Dịp này, phố phường đều được trang trí bởi hàng trăm, hàng ngàn chiếc đèn lồng sặc sỡ. Đây là dịp để người dân Malaysia và du khách ra đường hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ.
Myanmar – Trung Thu rực rỡ ánh sáng khắp nơi
Ngày rằm trung thu ở Myanmar được gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.
Lào – Trung thu là lễ hội trăng phước lành
Người Lào gọi tết Trung thu là lễ hội trăng phước lành, tất cả mọi người đều tụ tập bên gia đình, thưởng trà, ngắm trăng. Khi hoàng hôn buông xuống, các chàng trai cô gái nhảy múa, hát ca thâu đêm.
Campuchia – Trung thu là lễ “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng)
Vào ngày 15, người Campuchia tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống. Sáng sớm hôm ấy, người ta bắt đầu chuẩn bị lễ vật cúng nguyệt, gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía.
Buổi tối, mọi người đặt đồ cúng vào khay, đem để trên một chiếc chiếu lớn và ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái nguyệt, cầu xin ban phước. Sau đó, người già lấy gạo dẹt nhét vào miệng của trẻ con, nhét cho đến lúc không thể nào nhét vào được nữa mới thôi, để cầu viên mãn, điều tốt đẹp.
Thái Lan – Trung thu là “Tết cầu trăng”
Tết Trung thu ở Thái Lan với nhiều hoạt động hấp dẫn. Người Thái gọi tết Trung thu là “tết cầu trăng”. Mọi người đều tham gia lễ cúng trăng rằm. Mọi người ngồi quanh mâm cỗ với những món đồ đặc trưng của mùa thu như đào, sầu riêng, bánh Trung thu và chúc nhau mọi điều tốt lành. Đặc biệt bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống. Người Thái tin rằng bưởi tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.
Chính vì thế mà bánh trung thu của Thái Lan có hình dạng giống như quả đào. Tuy nhiên, ngày nay, loại bánh trung thu phổ biến của Thái Lan là bánh nướng nhân sầu riêng trứng muối, tượng trưng cho mặt trăng tròn.
Đài Loan - Tiệc thịt nướng ngoài trời
Giống như Việt Nam người Đài Loan cũng cúng hoa quả vào ngày này và cũng ăn bánh trung thu trông trăng bên người thân.
Ở Đài Loan, vào ngày Tết Trung Thu nhiều gia đình tổ chức tiệc nước ngoài trời.
Người Đài Loan thường đoàn viên cùng nhau ăn bữa cơm gia đình vào ngày lễ Trung thu. Vì thường được nghỉ lễ dài nên mọi người cũng tranh thủ về bên gia đình để đoàn tụ.
Ăn bưởi trong Tết Trung thu: Bưởi trong tiếng trung có gần giống với từ bạn vì thế ăn bưởi còn có ý nghĩa là bình an, cầu mong bình an cho người thân, bạn bè.
Điều đặc biệt ở Đài Loan là vào ngày Tết Trung Thu nhiều gia đình tổ chức tiệc nước ngoài trời. Thói quen ăn đồ nướng trong dịp tết Trung Thu bắt đầu rất ngẫu nhiên. Bắt đầu từ một quảng cáo tương ở Đài Loan từ rất lâu về trước với slogan: “Một nhà nướng thịt vạn nhà thơm”. Quảng cáo được phát liên tục trong nhiều năm, trở nên quen thuộc và phổ biến tại Đài Loan. Thậm chí trở thành thói quen của người Đài. Giờ đây thì thịt nướng và các món đồ nướng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu ở xứ sở này. Thậm chí, bạn có thể thấy người ta cắt cả bánh Trung thu và đặt lên bếp nướng, sau đó thưởng thức ngon lành.