Một hợp đồng hôn nhân cổ xưa dài gần 2,5 m tiết lộ phụ nữ Ai Cập cổ thực sự là những nhà thương thuyết cứng rắn. Họ đảm bảo mình vẫn được chu cấp tiền và thực phẩm một thời gian dài sau khi hôn nhân kết thúc.
Ai Cập cổ đại công nhận quyền bình đẳng trong hôn nhân cho nữ giới
Hợp đồng hôn nhân có niên đại 2.480 năm được viết trên cuộn giấy cói dài gần 2,5 m bằng chữ tượng hình. Theo RT, nó đang được trưng bày tại Viện Đông Phương, đại học Chicago, Mỹ.
Ảnh chụp chi tiết một bản hợp đồng cổ đòi quyền trợ cấp hàng năm của phụ nữ Ai Cập. (Ảnh: Viện Đông Phương.)
Theo đó, người vợ có tên trên hợp đồng sẽ nhận được "1,2 cắc bạc và 36 bao ngũ cốc mỗi năm cho đến hết đời." Tuy nhiên, cô sẽ phải thanh toán trước cho vị hôn phu tương lai 30 cắc bạc để hợp đồng có hiệu lực.
Trong một hợp đồng khác mà các nhà khảo cổ thu thập được, người chồng phải liệt kê tất cả tài sản riêng mà cô vợ mang theo khi về chung một nhà, đồng thời cam kết sẽ trả lại tất cả trong trường hợp hai người ly hôn.
"Có thể nói rằng người phụ nữ và gia đình cô ấy đã gây áp lực nhiều nhất có thể khiến người chồng buộc phải đồng ý với bản hợp đồng như vậy," giáo sư Janet H.Johnson viết trong một bài báo khoa học cho Thư viện đại học Chicago. Chuyên gia này còn nhấn mạnh, những điều khoản ghi trong hợp đồng "là cực kỳ có lợi cho người vợ."
Sự bình đẳng về mặt pháp lý của phụ nữ Ai Cập khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, theo giáo sư Emily Teeter, nhà Ai Cập học tại Viện Đông Phương, điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi nữ giới thời Ai Cập cổ được hưởng khá nhiều quyền lợi.
Phụ nữ có thể đệ đơn ly hôn bất cứ thời điểm nào và những hợp đồng hôn nhân như trên luôn nhận được tôn trọng. Nếu hai bên muốn chấm dứt hợp đồng, họ sẽ phải nhờ tới tòa án. "Nhiều người không biết rằng phụ nữ Ai Cập cổ có quyền pháp lý ngang bằng nam giới," bà Teeter nói.
Mô phỏng đám cưới người Ai Cập cổ. (Ảnh: Love Egypt)
Quá trình phác thảo hợp đồng hôn nhân cổ xưa không mấy khác biệt so với ngày nay. Hai bên có tên trên hợp đồng sẽ gặp gỡ nhau với sự có mặt của một người chép thuê và vài nhân chứng. Người đề xuất hợp đồng, trong trường hợp này dường như là phụ nữ, sẽ đọc to các điều khoản để người chép thuê ghi lại trên giấy. Bên còn lại có thể đồng ý hoặc từ chối điều kiện nêu ra. Nếu cả hai đạt tới thống nhất, hợp đồng bắt đầu có tính ràng buộc.
Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của mình khi ly hôn, phụ nữ có thể tham gia vào việc giải quyết hợp đồng với tư cách bị đơn hoặc nguyên đơn, thành viên hội thẩm đoàn hoặc nhân chứng. Phụ nữ Ai Cập cổ cũng có quyền mua và sở hữu tài sản.
Mặc dù đạt được nhiều quyền tự do pháp lý, phụ nữ Ai Cập hầu hết vẫn lệ thuộc vào nam giới trong các vấn đề xã hội và chính trị. Trong khi nam giới được xếp thứ bậc xã hội dựa vào nghề nghiệp, thứ bậc của phụ nữ thường do vị trí của người chồng hoặc người cha quyết định.
Hệ thống pháp luật tân tiến của Ai Cập không chỉ dành sự ưu ái cho nữ giới. Trong một văn tự cổ, các nhà khoa học phát hiện công nhân xây dựng các khu lăng mộ đã bỏ việc hoặc từ chối làm việc cho tới khi được trả công, tương tự một kiểu đình công thời xưa.
Sự sụp đổ của nền vương triều Ai Cập cổ khiến câu chuyện này vẫn còn bỏ ngỏ. Song, vì các ngôi mộ vẫn được hoàn thành, bà Teeter cho rằng nhiều khả năng các công nhân đã "thắng trong cuộc đình công."
Ghi chép về cuộc đình công từ năm 1160 trước Công nguyên. (Ảnh: Viện Đông Phương)