navigation

Phụ nữ đẻ dày dễ bị sinh non

(khoahoc.tv) - Những phụ nữ có khoảng thời gian giãn cách giữa các lần mang thai ngắn dưới 18 tháng sẽ có nhiều khả năng sinh non, một nghiên cứu mới phát hiện thấy đã được công bố trên tạp chí BJOG: Một tạp chí Quốc tế về sản phụ khoa (BJOG- International Journal of Obstetrics and Gynaecology).

Nghiên cứu của Mỹ đã sử dụng hồ sơ khai sinh từ Sở Y tế bang Ohio, xem xét 454.716 ca sinh của các sản phụ có hai lần hoặc nhiều hơn hai lần mang thai trong vòng 6 năm. Các nhà nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng của khoảng cách giữa các lần sinh đối với thời gian mang thai lần tiếp theo.

Nghiên cứu này đã xác định, khoảng cách giãn sinh ngắn (khoảng cách giữa hai lần sinh coninterpregnancy interval IPI) như là thời gian tính từ khi sinh đứa con trước tới kì mang thai tiếp theo. Các nhà nghiên cứu đã phân loại những phụ nữ có IPI ngắn thành hai nhóm, nhóm khoảng cách IPI ngắn dưới 12 tháng và IPI từ 12 – 18 tháng, so sánh với những phụ nữ được xem là có khoảng cách giữa lần sinh con với thời gian mang thai tiếp theo tối ưu là 18 tháng trở lên.

Kết quả cho thấy, các bà mẹ có IPI ngắn hơn có nguy cơ sinh non khi thai nhi chưa được 39 tuần tuổi cao hơn so với những phụ nữ có khoảng cách sinh tối ưu. Theo đó, một IPI ngắn hơn 12 tháng, 53,3% phụ nữ đã sinh con trước 39 tuần tuổi, so với 37,5% phụ nữ có thời gian giãn sinnh tối ưu. Sinh con sau ngày dự sinh (nhiều hơn 40 tuần tuổi) xảy ra ít hơn ở phụ nữ có IPI ngắn dưới 12 tháng, tỉ lệ này là 16,9% so với 23,1% ở một phụ nữ có IPI bình thường.

Hơn nữa, tỷ lệ sinh non trước khi thai được 37 tuần là cao hơn ở những phụ nữ có IPI ngắn hơn 12 tháng. Những phụ nữ này dường như sinh con trước 37 tuần nhiều gấp đôi so với những phụ nữ có chỉ số IPI tiêu chuẩn (20,1% so với 7,7%).

Nghiên cứu cũng đã xem xét đến các nhóm chủng tộc. Các số liệu cho thấy, những bà mẹ người da đen thường có IPS ngắn hơn so với các bà mẹ không phải da đen (IPI nhỏ hơn 12 tháng, tỉ lệ là 3,3% so với 1,9% và 12 – 18 tháng là 13,2% so với 10,1%).

Hơn nữa, tỉ lệ sinh non ở các bà mẹ da đen có IPI ngắn dưới 12 tháng cũng cao hơn, là 26,4% so với tỉ lệ là 8,7% ở các bà mẹ không phải da đen.

Trong khi những người phụ nữ thụ thai sau lần sinh trước từ 18 tháng trở lên có tỷ lệ đẻ non thấp, thì tỷ lệ này ở phụ nữ da đen vẫn cao hơn tỷ lệ sinh non chung (11,3%) so với những phụ nữ không phải da đen (6,8%), điều này cho thấy chủng tộc của mẹ cũng là một yếu tố quan trọng trong dự đoán sinh non bất chấp khoảng cách giãn sinh tối ưu có đảm bảo hay không.

Các tác giả kết luận, khoảng thời gian giãn cách giữa hai lần mang thai ngắn dẫn đến thời gian mang thai lần sau giảm, và phụ nữ cần phải được tư vấn, cảnh báo về tầm quan trọng của khoảng cách giãn sinh tối ưu, đặc biệt đối với vấn đề giảm tỉ lệ sinh non.

Emily DeFranco, phó giáo sư về Y học phụ sản – thai nhi trường đại học Cincinnati College of Medicine tại Ohio và Trung tâm Phòng chống sinh non tại Trung tâm y tế bệnh viện nhi Cincinnati, và là đồng tác giả của nghiên cứu, nói: “Thời gian giãn cách mang thai ngắn là một yếu tố nguy cơ đã biết đối với sinh non, tuy nhiên, nghiên cứu mới này cho thấy khoảng cách giãn giữa 2 lần sinh không đảm bảo có liên quan đến thời gian mang thai tổng thể giảm xuống”.

Nghiên cứu này có tác động tiềm năng đối với việc giảm tỉ lệ chung về sinh non trên toàn cầu thông qua việc tư vấn cho phụ nữ hiểu về tầm quan trọng của khoảng cách giãn sinh phù hợp, đặc biệt là tập trung vào các phụ nữ được biết là có nguy cơ sinh non cao.

John Thorp, phó tổng biên tập của tạp chí BJOG cho biết: “Chúng ta biết rằng khoảng cách giãn sinh không đủ là có liên quan đến những rủi ro khi mang thai, bao gồm cả sinh non, ở nhiều quốc gia cũng như ở Mỹ. Nghiên cứu dựa trên lượng dân số lớn này càng củng cố và nhấn mạnh tầm quan trọng của khoảng cách giãn sinh tối ưu, 18 tháng hoặc lâu hơn, đặc biệt là ở những phụ nữ có thêm các nguy cơ sinh non khác nữa”.

Phạm Thị Bích Thu (Sciencedaily)