Những người bị trầm cảm nặng và hồi quy (tái phát) có thể được hưởng lợi từ một dạng trị liệu mới kết hợp y học cổ đại với những phương pháp trị liệu hiện đại, các nhà sinh lý học thuộc Đại học Oxford cho biết.
Kết quả của một thí nghiệm trên quy mô nhỏ của phương pháp này, gọi là phương pháp trị liệu nhân thức dựa trên sự lưu tâm (MBCT), ở những bệnh nhân bị trầm cẩm, được công bố trên tạp chí Behaviour Research and Therapy.
28 người hiện mắc chứng trầm cảm, đồng thời có những giai đoạn trầm cảm trước đó cùng ý định tự tử, được ngẫu nhiên chia thành 2 nhóm. Một nhóm được trị liệu thêm bằng MBCT ngoài những phương pháp trị liệu thông thường, trong khi nhóm còn lại chỉ nhận điều trị thông thường. Việc chữa trị bằng MBCT giảm số lượng bệnh nhân trầm cảm nặng, trong khi nhóm còn lại tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm nặng không thay đổi.
Những người bị trầm cảm nặng và hồi quy (tái phát) có thể được hưởng lợi từ một dạng trị liệu mới kết hợp y học cổ đại với những phương pháp trị liệu hiện đại. (Ảnh: giadinh.net) |
Giáo sư Mark Williams và các đồng nghiệp thuộc Khoa tâm thần học Đại học Oxford sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu từ những bằng chứng đáng khích lệ này. Họ hy vọng sẽ thực hiện nghiên cứu với những bệnh nhân để chứng tỏ rằng MBCT có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát bệnh. Nhóm nghiên cứu của Oxford hiện đang thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn hơn so sánh MBCT với một nhóm sử dụng trị liệu thần kinh để xác định yếu tố nào hoặc phương pháp trị liệu nào phù hợp với dạng bệnh nhân khác nhau.
Giáo sư Williams, người phát triển phương pháp trị liệu này đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, cho biết: “Chúng ta đang đứng trước việc phát hiện những điều thực sự quan trọng về việc làm thế nào các bệnh nhân có thể duy trì sức khỏe sau trầm cảm. Mục đích của phương pháp trị liệu này là giúp các bệnh nhân có được sự giải thoát về lâu dài khỏi cuộc chiến hàng ngày với trạng thái tâm lý của bản thân”.
Tài liệu tham khảo:
Barnhofer et al. Mindfulness-based cognitive therapy as a treatment for chronic depression: A preliminary study. Behaviour Research and Therapy, 2009; DOI: 10.1016/j.brat.2009.01.019