Phương pháp mới đưa thuốc vào ốc tai giúp khôi phục lông tai tổn thương, tái tạo các khớp thần kinh để điều trị bệnh khiếm thính.
Theo các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bioconjugate Chemistry, các nhà khoa học trong một thời gian dài đã cố tìm cách phục hồi thính giác cho người khiếm thính.
Do tổn thương các tế bào lông mảnh mai trong ốc tai mà bệnh khiếm thính phát triển - (Ảnh: Shutterstock).
Mới đây, các chuyên gia ở Đại học Nam California và Đại học Harvard, Mỹ, đã nhận ra cách sửa chữa các tế bào bị tổn thương ở tai trong. Phát hiện này được thực hiện trong các thử nghiệm với mô động vật trong phòng thí nghiệm.
Được biết, các tế bào lông trong ốc tai cực kỳ mảnh mai, dần dà bị hư hỏng theo thời gian, điều này có thể dẫn đến mất thính giác. Vấn đề chính là bất kỳ loại thuốc hòa tan nào dùng để phục hồi các tế bào lông đều bị chất lỏng trong tai làm trôi đi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nhận ra cách giải quyết vấn đề này. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một cách mới để đưa thuốc đến được ốc tai, một cấu trúc tai trong nhận được âm thanh dưới dạng các rung động.
Nhờ một phương pháp phân phối thuốc mới, các khớp thần kinh đã được tái tạo, dẫn đến sự phục hồi các tế bào lông và các noron. Các nhà khoa học đã sử dụng kết hợp phân tử 7,8-Dihydroxyflavone (7,8-DHF), mô phỏng một protein quan trọng cho sự phát triển của cơ thể và bisphosphonate (thuốc làm giảm loãng xương) dính vào xương. Các chuyên gia hy vọng rằng phương pháp mới sẽ giúp những người khiếm thính.
Giáo sư McKenna và các đồng nghiệp tin rằng họ sớm tiến hành các thử nghiệm trên người khiếm thính. Trong khi đó, một nghiên cứu ở Ý cho thấy các vấn đề về thính giác có thể là một dấu hiệu cảnh báo về sự mất trí nhớ ở người cao tuổi.