Phương pháp vạch trần thủ đoạn dùng doping của vận động viên

Từ khi các vận động viên bắt đầu sử dụng doping trong thi đấu, giới chức thể thao luôn phải đau đầu tìm cách vạch trần hành vi gian lận này.

Doping là tên gọi chung của các chất kích thích bị cấm trong thi đấu thể thao. Các loại chất này nhìn chung đều có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường lượng máu chảy về tim, làm tăng thể lực cùng khả năng tập trung cho các vận động viên.

Theo Live Science, kiểm tra doping đối với vận động viên rất phức tạp, do chưa có cách xét nghiệm áp dụng được cho tất cả các chất kích thích hay kỹ thuật cải thiện kết quả thi đấu. Mỗi loại thuốc doping đòi hỏi một cách xét nghiệm riêng.

"Một phương thức xét nghiệm đặc thù và chuẩn hóa được thiết kế cho từng loại thuốc", Live Science dẫn lời Rhonda Orr, một giảng viên cao cấp về Khoa học thể dục thể thao tại Đại học Sydney, Australia. Theo Orr, mỗi loại doping để lại một dấu vết đặc trưng trong máu. Các bài xét nghiệm sẽ phát hiện ra loại thuốc đó hoặc các phân tử hình thành khi thuốc hòa tan trong máu.

Do mỗi phòng thí nghiệm chỉ kiểm tra được một số chất nhất định, vận động viên sử dụng doping có thể tránh bị phát hiện bằng cách dùng loại thuốc nằm ngoài khả năng xét nghiệm của phòng thí nghiệm.


Vận động viên có thể tiêm chất kích thích vào cơ thể để cải thiện khả năng thi đấu. (Ảnh minh họa: Pop Paul-Catalin).

Một nhà hóa học có trình độ và được đào tạo có thể điều chế thuốc theo hướng khác biệt đôi chút để nó không bị phát hiện qua các cuộc kiểm tra, Tom Hildebrandt, nhà tâm lý học kiêm Giám đốc Chương trình chất kích thích tăng cường khả năng thi đấu ở Hệ thống y tế Mount Sinai tại New York, Mỹ, cho biết.

Orr chia sẻ các vận động viên và đội tuyển của họ có thể tìm cách qua mặt xét nghiệm bằng những loại thuốc mới. Vì thế, các phòng thí nghiệm phải luôn cảnh giác và cải tiến để phát hiện kịp thời những loại thuốc mới này.

Một cách để các phòng thí nghiệm không bị qua mắt là lưu trữ mẫu máu. Khi xét nghiệm cho vận động viên, phòng thí nghiệm thường lưu lại một mẫu máu nhỏ. Trong trường hợp tìm ra cách mới để kiểm tra một loại thuốc, nhân viên phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm lại mẫu máu đó.

Phương pháp "xét nghiệm lại" này có thể khiến một số vận động viên phải cân nhắc trước khi sử dụng doping, theo G.Gregory Haff, Phó giáo sư ngành Thể lực và thể trạng tại Đại học Edith Cowan, Australia. Nếu phòng thí nghiệm phát hiện vận động viên từng sử dụng doping ở giải thi đấu trong quá khứ, huy chương của họ có thể sẽ bị thu hồi.

Trong khi có nhiều phương pháp kiểm tra cho các chất doping khác nhau, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách xét nghiệm nào có thể dùng cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, họ đang tìm cách phát triển một bài xét nghiệm có khả năng phát hiện ra nhiều chất kích thích cùng nằm trong nhóm androgenic steroid.

Hiện nay, tất cả androgenic steroid và các chất tác dụng tương tự đều chưa thể phát hiện qua kiểm tra. Chúng hoạt động bằng cách bám vào thụ cảm nội tiết tố adrogen trong tế bào. Phương pháp xét nghiệm mới hướng đến kiểm tra chính các thụ cảm này, theo Hildebrandt.

Với phương pháp mới, các nhà khoa học lấy tế bào có thụ cảm và đánh dấu hiệu đặc biệt cho chúng trong phòng thí nghiệm. Sau đó, mẫu máu xét nghiệm được cho vào trong đĩa chứa các thụ cảm này. Nếu dấu hiệu sáng lên, các nhà khoa học sẽ biết một chất nào đó trong mẫu máu đang bám vào chúng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.

Vì phương pháp này không chỉ ra chất nào đang bám vào thụ cảm, nó có thể sẽ được dùng như một bài xét nghiệm sàng lọc, Hildebrandt cho biết. Các phòng xét nghiệm có thể thực hiện sàng lọc này trước khi áp dụng các bài xét nghiệm riêng nhằm tìm ra chất cụ thể.

Cập nhật: 15/08/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video