Các nhà khoa học Australia đã định dạng được 8 loại gen liên quan đến sự phát triển của kí sinh trùng sốt rét trong hồng cầu của người. Điều này mở ra một hướng đi mới trong việc chống bệnh sốt rét.
Sốt rét, bệnh do kí sinh trùng sốt rét gây ra hiện là căn bệnh phổ biến nhất trên thế giới, mỗi năm cướp đi tính mạng của từ một triệu đến ba triệu người, trong đó 90% là người dân châu Phi.
Bệnh này có triệu chứng sốt, xuất hiện những cơn đau đầu và nôn mửa, nguyên nhân do nhiều chủng kí sinh trùng gây ra, trong đó chủng nguy hiểm nhất là Plasmodium falciparum. Muỗi Anofen cái truyền chủng kí sinh trùng sốt rét này vào cơ thể người qua các vết muỗi đốt. Khi vào được cơ thể người, kí sinh trùng xâm chiếm các tế bào hồng cầu trong máu và bắt đầu nhân lên.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu y học Melbourne khẳng định, để có thể phát triển trong môi trường tốt, Plasmodium falciparum đã tạo ra những biến đổi lớn trong cấu trúc tế bào hồng cầu. Các tế bào bị nhiễm bệnh hầu như sẽ mất cấu trúc bền vững cũ và bề mặt các hồng cầu xuất hiện các móc nhỏ dựng đứng trong các vách của huyết quản, và như vậy các móc này sẽ ngăn cản hồng cầu di chuyển trong máu.
Muỗi truyền bệnh sốt rét (Ảnh: nouvelobs) |
Qua việc thay đổi về gen của loại chủng Plasmodium falciparum, các nhà nghiên cứu có thể định dạng được 8 loại gen giúp tạo ra các protein cần thiết cho việc tái tạo lại tế bào. Trong khi tìm hiểu hoạt động bình thường của các gen này, họ đã tổng kết được rằng các hồng cầu bị nhiễm kí sinh trùng không đi vào các vách trong huyết quản nữa. Một kết quả khá thú vị.
Quả vậy, nó có thể được khai thác để tạo ra các loại thuốc mới đặc biệt là các protein mang mã các loại gen này. Nhưng các nhà khoa học cũng hi vọng sẽ tạo ra các dạng thức đã biến đổi và suy yếu của kí sinh trùng sốt rét nhằm sử dụng trong việc chế tạo vắc xin.