Quá trình chế tạo bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô

Quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô được chế tạo trong bí mật, mọi thông tin liên quan đều được mã hóa, theo tài liệu mới giải mật.

Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) công bố hàng chục trang tài liệu về dự án chế tạo bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, trong đó bao gồm cả những hình ảnh chưa từng được công bố về quả bom trong quá trình phát triển.

Ngay từ đầu Thế chiến II, Mỹ, Anh và Liên Xô đã bắt đầu chạy đua phát triển vũ khí nguyên tử. Cuối năm 1941, chính phủ Mỹ đầu tư mạnh tay cho chương trình chế tạo bom hạt nhân nhằm giành ưu thế trước đối phương. Kết quả của dự án này là hai quả bom ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945, đánh dấu lần đầu tiên và duy nhất con người sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.


Vụ thử quả bom RDS-1 ngày 29/8/1949. (Video: Radiation Hazard/Youtube).

Hai quả bom nguyên tử của Mỹ đã khiến lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin bị sốc. Chính quyền Liên Xô khi đó coi phát triển vũ khí hạt nhân là ưu tiên hàng đầu với an ninh quốc gia và thúc đẩy dự án bí mật nhằm giành lại cân bằng sức mạnh với Mỹ.

Sắc lệnh phát triển bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô được thông qua vào tháng 6/1946. Các nhà khoa học không chỉ phải chạy đua với thời gian mà còn phải làm việc trong môi trường bí mật tuyệt đối.

Trong các tài liệu được Rosatom công bố, có 3 trang văn bản đánh máy được gửi tới giám đốc Cục Chế tạo số 11 Pavel Zernov, yêu cầu ông phát triển "động cơ phản lực C (RDS) với phiên bản sử dụng nhiên liệu nặng (C-1) và nhẹ (C-2)" dưới sự giám sát của Phòng thí nghiệm số 2 thuộc Học viện Khoa học Liên Xô.

Tài liệu này dường như không liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, "động cơ phản lực C" chính là tên mã của quả bom hạt nhân đầu tiên, sau này được mang định danh đầy đủ là RDS-1 "Pervaya Molniya" (Tia chớp Đầu tiên).

"Nhiêu liệu nặng C-1" là từ khóa ám chỉ nguyên liệu hạt nhân plutonium được làm giàu cấp độ cao, trong khi "nhiên liệu nhẹ C-2" chính là uranium làm giàu.


Mô hình bom RDS-1 trong quá trình chế tạo. (Ảnh: Rosatom).

Các nhà khoa học trong dự án phải báo cáo tiến độ với chính phủ Liên Xô hàng tháng. Tên của họ cũng được giấu kín trong các tài liệu và chỉ được nhắc tới bằng chữ cái đầu tiên. Toàn bộ chữ cái này đều được thêm vào một cách thủ công để bảo đảm bí mật.

Nguồn lực đầu tư khổng lồ cùng thông tin tình báo giá trị từ các điệp viên ở Mỹ giúp Liên Xô đẩy nhanh tiến độ phát triển bom hạt nhân.

Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom RDS-1 ở bãi thử Semipalatinsk, Kazakhstan và trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. RDS-1 có sức công phá tương đương 22.000 tấn thuốc nổ TNT, mạnh hơn cả hai quả bom Mỹ thả xuống Nhật.

Ngày 1/9, trinh sát cơ WB-29 của không quân Mỹ phát hiện bụi phóng xạ trong khí quyển khi bay từ Nhật Bản tới bang Alaska. Dữ liệu từ chuyến bay này được so sánh với thông tin thu được trong những nhiệm vụ sau đó, giúp Mỹ xác nhận Liên Xô thử thành công một quả bom nguyên tử.

Việc bảo mật cho dự án RDS-1 của Liên Xô đã thành công khi tình báo Mỹ hoàn toàn bất ngờ. Chính phủ và quân đội Mỹ trước đó cho rằng Liên Xô chưa đủ khả năng phát triển thành công loại vũ khí này.


Mô hình quả bom RDS-1 hoàn chỉnh được trưng bày tại Moskva. (Ảnh: Sputnik).

Theo học giả Mỹ J.W. Smith, Washington lúc đó không coi Moskva là mối đe dọa thực sự khi tổng thu nhập quốc nội của Liên Xô chỉ là 65 tỷ USD so với 250 tỷ của Mỹ. Các chiến lược gia Lầu Năm Góc thậm chí còn nhận định rằng Moskva hoàn toàn không có khả năng phản công và sẽ bị tiêu diệt nếu nổ ra xung đột.

"Các chiến lược gia Mỹ tin rằng họ sẽ hưởng thế độc quyền hạt nhân ít nhất đến sau năm 1954", học giả Smith khẳng định.

Cuộc thử nghiệm đã phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mỹ và thay đổi đáng kể cân bằng sức mạnh thời hậu Thế chiến II. Washington buộc phải "chào đón" Liên Xô với vai trò cường quốc ngang bằng, đồng thời tính đến lợi ích của nước này và các đồng minh trong mọi sách lược.

Cập nhật: 03/08/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video