Theo nhóm nghiên cứu, đứng đầu là giáo sư sinh thái học Kathrin Bolstad tại ĐH Công nghệ Auckland (New Zealand), việc bắt gặp nghĩa địa cá voi là hoàn toàn tình cờ trong một chuyến thám hiểm vào năm 2017. Nhận thấy đây là phát hiện hiếm gặp, nên nhóm nghiên cứu đã dùng camera ghi lại thước phim có độ phân giải cao để sau đó tiến hành phân tích.
Hóa ra nơi họ quay được chính là nghĩa địa cá voi tự nhiên ở xa xích đạo nhất từng được phát hiện. Kết quả quan sát đã được các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí Polar Biology.
GS Kathrin Bolstad cho biết, thật hiếm có và cực kỳ may mắn khi bắt gặp được một nghĩa địa của cá voi. Có hàng trăm nghìn địa điểm như vậy dưới đáy biển vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng rất khó để tìm thấy một nơi trong số đó và không phải lúc nào cũng thành công.
Theo nhóm nghiên cứu, nghĩa địa cá voi này nằm ở độ sâu 945m, ngoài khơi bán đảo Tây Nam Cực. Tuy nhiên, địa điểm này khiến phát hiện trở nên khác thường hơn. Bởi phần lớn khu vực nghĩa địa cá voi nằm ở bắc Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển California và Nhật Bản. Trên thực tế có chưa tới 5% nghĩa địa cá voi nằm ở gần vùng cực.
Xác cá voi được tìm thấy đang trong quá trình phân hủy. (Ảnh: NHK)
Xác cá voi ở nghĩa địa này có kích thước khổng lồ. Chỉ riêng hộp sọ đã dài khoảng 2m. Các nhà nghiên cứu xác định con vật thuộc loài cá voi minke ở Nam Cực. Theo Cục Khảo sát Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), đây là loài cá voi có thể dài tới 10,7m.
GS Bolstad nhận định, bộ xương có thể nằm ở đáy biển từ 1 - 2 năm. Trong thời gian này, xác của cá voi bị hệ sinh thái gồm các sinh vật biển khác xâm chiếm. Vị chuyên gia này cho biết: "Hầu hết các nghĩa địa cá voi có hàng chục, thậm chí hàng trăm loài khác nhau tận dụng nguồn thức ăn bất ngờ này".
Để quan sát được hệ sinh thái phong phú này, GS Bolstad và các cộng sự đã tiến hành quay phim với độ phân giải cao trong suốt 2 giờ và sau đó xem lại chi tiết để xác định về các loài vật có mặt. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong số đó có bọ chét biển, giun biển lông cứng và các chỗ dịch nhầy hé lộ về sự tồn tại của một loại giun ăn xương.
Xác cá voi cung cấp một "bữa tiệc thịnh soạn" cho quần thể sinh vật ở dưới biển sâu trong hàng chục năm. Sự phong phú của các loài khác nhau được thu hút tới nơi này tạo thành một mạng lưới thức ăn hoàn toàn mới xung quanh xác cá voi.
Xác cá voi trở thành nguồn thức ăn của nhiều sinh vật biển trong nhiều năm. (Ảnh: NHK).
Theo các chuyên gia, xác cá voi sau khi rơi xuống đáy biển thường trải qua 4 giai đoạn phân hủy. Trong trường hợp này, xác con cá voi trong hình đang ở cuối giai đoạn 2. Trong giai đoạn này, phần lớn mô mềm đã bị các loài ăn xác thối lớn tiêu hóa, nhưng bộ xương của nó vẫn còn một ít mô sót lại và thu hút động vật nhỏ hơn.
Thực tế vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu về các nghĩa địa cá voi, bao gồm cả nhiều loài mà khoa học chưa biết đến. Tuy nhiên, cơ hội để thực hiện những chuyên lặn dưới nước ở Nam Cực là rất ít. Do đó, việc phát hiện ra bữa tiệc xung quanh xác cá voi là một điều rất hiếm gặp.