Con rắn nước sọc phương nam chậm rãi nuốt chửng lươn Mỹ trơn trượt dù con mồi nhiều lần giãy giụa tìm cách thoát thân.
(Video: DNR)
Cuộc vật lộn giữa một con rắn sẫm màu và con lươn có kích thước ngang ngửa nó được Phòng tài nguyên động vật thuộc Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên Georgia (DNR) ghi lại và chia sẻ video trên Facebook hôm 1/12. "Một trong các nhà sinh vật học của chúng tôi bắt gặp con rắn săn mồi ở đầm lầy tại quận Liberty tuần trước. Rắn nước sọc phương nam vật lộn với lươn Mỹ. Cả hai con vật vùng vẫy quanh đầm nước nông", DNR cho biết.
Rắn nước sọc nuốt dần cơ thể lươn.
Rắn nước sọc phương nam (Nerodia fasciata) sinh sống ở các bang phía nam và đông nam của Mỹ, ở gần như mọi môi trường nước ngọt bao gồm ao, hồ, sông, suối, đầm lầy. Chúng có thể dài 60 - 107 cm, mẫu vật dài nhất khoảng 158 cm. Chúng được đặt tên theo những sọc đặc trưng trên lưng, nhưng sọc vằn có thể không rõ nếu con rắn có màu sẫm và da chúng sẫm dần theo độ tuổi. Rắn nước sọc phương nam chuyên ăn cá và ếch nhái. Chúng sử dụng cơ quan khứu giác có tên Jacobson để nhận biết con mồi thông qua phát hiện protein đặc biệt gọi là parvalbumin có trong chất nhầy ở da ếch nhái và vài loại cá.
Lươn Mỹ (Anguilla rostrata) nằm trong số những mồi săn của rắn nước sọc phương nam. Là loài lươn nước ngọt duy nhất ở Bắc Mỹ, chúng có vòng đời phức tạp, chủ yếu sống ở sông và cửa sông, nhưng di cư ra biển Sargasso ngoài khơi phía đông nước Mỹ để đẻ trứng. Lươn non nở ở biển Sargasso trước khi trôi nổi theo dòng hải lưu trong một năm. Chúng vào bờ dọc vùng phía đông nước Mỹ, bơi tới các sông và cửa sông để trưởng thành. Khi tới tuổi đẻ trứng, chúng di cư trở lại và chết ở biển Sargasso.
Lươn Mỹ nằm trong danh mục loài nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Chúng có thể dài hơn 1,2 m, toàn thân phủ chất nhầy dày. Lươn sắp trưởng thành thường bị chim, cá hoặc lươn lớn hơn ăn thịt.
Giới nghiên cứu chưa biết rắn nước sọc phương nam có thường xuyên ăn thịt lươn Mỹ hay không. Dù bữa ăn khá lớn, con rắn trong video vẫn nuốt chửng hết cơ thể lươn, theo DNR.