Rau diếp trồng trên sao Hỏa giúp bảo vệ các phi hành gia trước căn bệnh loãng xương, giảm mật độ xương, gãy xương khi thực hiện các sứ mệnh dài ngày trong không gian.
Trở thành phi hành gia là mơ ước của nhiều người nhưng làm việc ở môi trường không trọng lực trong thời gian dài khiến phi hành gia phải chịu đựng những tác động nhất định ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Trong các chuyến bay, làm việc dài ngày ngoài không gian, môi trường không trọng lực gây ra một trong những vấn đề nghiêm trọng đối với các phi hành gia đó là giảm mật độ xương, loãng xương khiến xương yếu đi và tăng nguy cơ gãy xương.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho biết: các nghiên cứu về phi hành gia trải qua nhiều tháng trên trạm vũ trụ Mir trước đây cho thấy những người du hành vũ trụ có thể mất trung bình 1 đến 2% khối lượng xương mỗi tháng.
Để chống lại tác động này, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS có một số chế độ luyện tập nhất định và thường không ở lâu hơn 6 tháng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây đã nghiên cứu ra cách có thể bảo vệ phi hành gia, hạn chế sự mất xương trong các nhiệm vụ không gian dài ngày.
Sắp tới, NASA đang có kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào khoảng những năm 2030. Đây là sứ mệnh kéo dài ít nhất ba năm và sẽ khiến họ có nguy cơ mắc chứng loãng xương cao hơn.
Rau diếp biến đổi gene có thể tạo ra loại hormone kích thích xương của phi hành gia.
Các chuyên gia từ Đại học California đã nghiên cứu ra loại rau diếp biến đổi gene có thể trồng trong không gian vừa cải thiện bữa ăn vừa tạo ra loại hormone kích thích xương của phi hành gia. Loại rau diếp đã được chỉnh sửa gene để tạo ra PTH.
Somen Nandi, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Các phi hành gia mang vài nghìn hạt giống chuyển gene rất nhỏ trong lọ to bằng ngón tay cái và trồng giống như rau diếp thông thường".
Ước tính, các phi hành gia sẽ cần khoảng 8 cốc, tương đương 380 gram rau diếp mỗi ngày để có đủ lượng hormone. Một bó rau diếp tiêu chuẩn nặng khoảng 300 gram.
Tiến sĩ Karen McDonald, nhà nghiên cứu dự án cho biết: "Một trong những điều chúng tôi đang thực hiện bây giờ là sàng lọc tất cả các dòng rau diếp chuyển đổi gene này để tìm ra dòng có biểu hiện PTH-Fc cao nhất. Một số loại chúng tôi quan sát thấy mức trung bình là 10-12 mg/ kg, nhưng chúng tôi nghĩ rằng có thể tìm ra loại tăng hơn nữa".
Hiện tại vẫn chưa có bài kiểm tra mùi vị chính thức với loại rau diếp này do các hạn chế về an toàn nhưng nhóm nghiên cứu cho biết nó có mùi vị rất giống loại rau thông thường.
Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch gửi hạt giống rau diếp chuyển gene của họ lên ISS để xem chúng phát triển như thế nào trong không gian.