Robot cao đẳng và hệ dân lập thắng áp đảo

Vòng một cuộc thi Robocon khu vực phía Nam khép lại hôm qua với kết quả làm nhiều người bất ngờ: Các đội thuộc ĐH ngoài công lập và cao đẳng (CĐ) chiến thắng một cách thuyết phục.

Ở vòng 1, BTC cuộc thi Robocon 2009 khu vực phía Nam chọn được 56 đội nhiều điểm nhất bốc thăm chia thành 14 bảng cho vòng hai. ĐH học dân lập Lạc Hồng với 12 đội tham gia đều lọt vào vòng trong. CĐ nghề số 8, CĐ kinh tế công nghệ TP HCM, CĐ kinh tế công nghệ Đồng Nai, CĐ giao thông vận tải 3 là những trường có 100% số đội tham gia lọt vào vòng hai. Các ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM lần lượt góp 10 và 7 đội. Vòng hai sẽ thi đấu trong hai ngày 9, 10/4 để chọn ra 12 đội đại diện phía Nam tham dự chung kết toàn quốc.

Biết chọn đấu pháp hợp lý 

Các thành viên đội EEF 1, CĐ nghề số 8 di chuyển robot của mình qua chướng ngại vật. Ảnh: Bảo Trịnh.

ĐH dân lập Lạc Hồng có kết quả thi đấu làm bất ngờ mọi đội tuyển, khi 12 đội Robocon tham dự đều lọt vào vòng trong với những kỷ lục về thời gian chưa đội nào có thế vượt qua được. Ông Lê Hoàng Anh, Tổng chỉ đạo viên Robocon của ĐH Lạc Hồng chia sẻ “bí quyết” chiến thắng: “Trường chuẩn bị cho cuộc thi Robocon từ rất sớm ngay khi ban tổ chức công bố đề thi. Trước đó, trường thành lập CLB Robocon và tổ chức nhiều cuộc thi Robocon với nhiều chủ đề khác nhau để tạo “phong trào”.

Khác với những năm trước, năm nay thành viên của mỗi đội đều có sự trộn lẫn giữa nhiều khóa, nhiều khoa nhằm hỗ trợ thế mạnh cho nhau”. Sinh viên Đào Hồng Phong, Đội trưởng đội STORM của trường này cho biết, sở dĩ họ giành được chiến thắng vì đã được những đàn anh đi trước dành nhiều buổi truyền đạt lại ý tưởng, lập trình, chọn thiết bị và cọ xát về bản lĩnh thi đấu trong các cuộc thi cấp trường trước đó. Theo trọng tài Trần Minh Trung, người nhiều năm kinh nghiệm trong chấm giải cuộc thi Robocon nhận xét: “Năm nay, các ĐH dân lập chiến thắng chủ yếu nhờ biết chọn đấu pháp và đầu tư hợp lý cho đấu pháp; họ cũng nỗ lực trong lập trình và đưa ra nhiều ý tưởng hay”.

Say mê sáng tạo là động lực chính

Theo dõi vòng 1 cuộc thi Robocon năm nay, không khó để nhận ra các trường cao đẳng nghề nổi lên như một “hiện tượng”. Các gương mặt ấn tượng của vòng 1 khu vực phía Nam gồm: CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Kinh tế công nghệ TP HCM, CĐ Giao thông Vận tải 3, CĐ nghề số 8. Nhiều dấu hỏi được đặt ra, vì sao các trường CĐ với trình độ đầu vào thấp, kinh phí ít ỏi, nhiều bạn vẫn chưa được học thiết kế robot và kinh nghiệm thi đấu còn mỏng nhưng lại vượt qua những ĐH có nhiều thành tích khác?

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Phước, Trưởng khoa điện CĐ Nguyễn Tất Thành với ba đội đại diện cho trường tham gia đều vượt qua vòng 1, nói: "Nhờ chuẩn bị kỹ cấp trường nên các em đã tự tin hơn". Còn thầy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa điện - điện tử, Phó bí thư đoàn CĐ nghề số 8, giải thích: "Năm nay, chi phí để trang bị cho các đội tham gia cuộc thi Robocon đều do nhà trường “đầu tư” cho sinh viên".

Với 50% đội tham gia lọt vào vòng 2, thầy Phạm Đình Thọ, chỉ đạo viên CĐ Giao thông vận tải 3, cho biết: "Các đội đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo nhà trường. Trường đã thành lập câu lạc bộ Robocon để sinh viên của trường trao đổi kiến thức. Mặt khác, các đội trong trường cũng thường xuyên thi đấu với nhau".

Đồng tình với những ý kiến trên, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phương, thành viên ban giám khảo cuộc thi, nói: “Việc các CĐ có những chiến thắng áp đảo đầy ấn tượng trước các đội của những ĐH lớn là một bất ngờ… Nhưng đó là một kết quả xứng đáng với sự quan tâm đầu tư của nhà trường và sự đam mê sáng tạo của các sinh viên”. 

Vòng 2 sẽ khắc nghiệt hơn?

Nhìn nhận rằng “chiến thắng của các đội robocon ở nhiều CĐ và khối ĐH dân lập trong vòng một năm nay là một hiện tượng” nhưng trọng tài Trần Minh Trung vẫn cẩn trọng nghi ngờ “ở vòng một này có thể các đội mạnh đang giấu bài”. Ông Trung dự kiến, vòng hai sẽ khắc nghiệt hơn nhiều và có thể chiến thuật của các đội được cho là mạnh ở vòng một sẽ bị những trường có truyền thống trả đũa.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video