Robot hình người gây tranh cãi khi sàm sỡ phóng viên

Robot nam Mohammad có hành vi không phù hợp với một nữ phóng viên trong sự kiện công nghệ diễn ra tại Riyadh.


Hành vi của robot Mohammad gây nhiều tranh cãi. (Video: Megh Updates)

Một robot hình người do công ty chuyên về robot và trí tuệ nhân tạo (AI) của Arab Saudi QSS phát triển chạm vào hông của nữ phóng viên gây nên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, Interesting Engineering hôm 9/3 đưa tin. Sự cố xảy ra ở DeepFest, sự kiện công nghệ cao cấp ở Riyadh, Arab Saudi. Tại đây, QSS ra mắt robot Mohammad mang hình dáng nam giới. Với khăn keffiyeh màu đỏ và mặc trang phục truyền thống, Mohammad tự giới thiệu bản thân.

"Tôi là Mohammad, robot Arab Saudi đầu tiên hình một người đàn ông. Tôi được sản xuất và phát triển như một dự án quốc gia nhằm thể hiện thành tựu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo", Mohammad nói.

Trong buổi tường thuật trực tiếp, phóng viên kiêm người dẫn chương trình truyền hình Lebanon Rawya Kassem trải qua tình huống bất ngờ khi đứng trước robot AI Mohammad. Trong lúc Kassem đang đưa tin, Mohammad chạm vào hông cô. Kassem phản ứng nhanh bằng cách quay về phía robot, bày tỏ sự khó chịu trước khi tiếp tục hoàn thành công việc. Video ghi lại sự việc nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội.


 Trong lúc Kassem đang đưa tin, Mohammad chạm vào hông cô.

Phản hồi về sự cố, nhà sản xuất khẳng định Mohammad "hoàn toàn tự động" và nó vận hành độc lập mà không có người điều khiển trực tiếp. Một số người cho rằng robot có thể đang tìm cách thuyết phục Kassem đứng dịch về phía trước hoặc đưa tay chào đón cô sau khi nữ phóng viên giới thiệu về bản thân. "Chúng tôi đã tiến hành đánh giá kỹ lưỡng thước phim cũng như tình huống xung quanh sự việc và cử động của Mohammad không phải hành vi lệch lạc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thêm các biện pháp để ngăn bất cứ ai đến gần robot trong vùng cử động của nó", QSS cho biết.

Mohammad là phiên bản tiến hóa của Sara, robot hình người đầu tiên do Arab Saudi phát triển. Robot của QSS có thể nói nhiều ngôn ngữ, giao tiếp, nhận lệnh và đáp lại yêu cầu. Mẫu robot cũng có thể cử động tay, cổ, thân trên, biểu hiện cảm xúc và nét mặt. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng thông qua camera tích hợp để xác định khi có người ở trước mặt robot. Bất cứ khi nào có người nói "Xin chào, Sara", robot sẽ bắt đầu hội thoại. Sử dụng mô hình huấn luyện trước, Sara có thể nhận dạng phương ngữ trên cả nước, phân tích cụm từ để hiểu ý nghĩa, sau đó đưa ra lời đáp thích hợp dưới dạng văn bản.

Sự phát triển của công nghệ robot, đặc biệt là robot hình người, luôn châm ngòi cho nỗi lo sợ các hệ thống sẽ cướp đi công việc của con người trong tương lai. Tuy nhiên, rất ít người nghĩ rằng những hệ thống như vậy có thể bắt chước một số hành vi không nên ở con người. Sự cố của Mohammad cho thấy AI và hệ thống robot hình người đòi hỏi huấn luyện và mô phỏng kỹ càng trước khi sử dụng rộng rãi ở nơi công cộng.

Cập nhật: 12/03/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video