Robot thay thế y tá có tạo nên sự sợ hãi?

  •  
  • 2.367

Robot thay thế cho những y tá người thật? Hầu hết người Đức không thích ý tưởng này, tuy nhiên, tại Nhật Bản, điều này đã trở thành hiện thực và trở nên phổ biến. Các nhà khoa học của cả hai nước đang cố gắng nghiên cứu nhằm tìm cách giảm bớt nỗi sợ hãi robot và giúp người dân có thể chấp nhận những con robot.

Liệu robot có thể thay thế được y tá?

Với đôi mắt to đen láy, miệng mở bé và chiếc mũi nhỏ xinh, Affetto trông khá dễ thương trong hình hài con người.

Nhưng khi tiến lại gần hơn, bạn sẽ nhận thấy các phần cơ thể của "cậu bé" này được làm bằng kim loại và "da" của Affetto được tạo ra từ silicon.


Affetto là một robot hình người được trang bị trí thông minh nhân tạo và có nét mặt giống như người thật.

Affetto là một robot hình người được trang bị trí thông minh nhân tạo và có nét mặt giống như người thật. Robot này được phát triển tại Đại học Osaka bởi Giáo sư Minoru Asada, một nhà nghiên cứu người máy hàng đầu, đồng thời là người chỉ đạo dự án Asada. Với sự hỗ trợ của robot, ông Asada muốn thu thập cách nhìn nhận mới về sự phát triển nhận thức của con người. Ông cho rằng: "Robot là bạn bè của chúng ta. Đừng sợ chúng".

Robot không còn xa lạ tại Nhật Bản

Trong ngành công nghệ Nhật Bản, việc sử dụng robot đã trở nên phổ biến, và các chuyên gia tin rằng điều này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai, đặc biệt đối với những ngành công nghiệp dịch vụ. Robot sẽ được sử dụng trong lĩnh vực y tế, đóng vai trò chính trong công việc điều dưỡng. Dân số Nhật đang già đi nhanh chóng và sẽ không cung cấp đủ nhân lực lao động, tính riêng trong lĩnh vực y tế, vào những năm tới. Do đó, chính phủ Nhật Bản đang phải dựa vào những công nghệ hiện đại để có thể chăm sóc sức khỏe người dân.

Trong các bệnh viện và cơ sở y tế của Nhật đã có rất nhiều robot được sử dụng. Chúng chăm sóc người già, hát cho bệnh nhân và tham gia nhiều hoạt động khác. Với sự giúp đỡ của robot, các nhà khoa học Nhật Bản đã tạo ra một chiếc giường có thể chuyển đổi thành chiếc xe lăn. Công ty Cyberdyne của Nhật còn sản xuất ra một bộ "khung xương lắp ngoài" được gọi là HAL – một bộ khung xương robot hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình tập luyện đi lại. Bộ khung xương này hiện đang được thử nghiệm ở Bệnh viện Đại học Bergmannsheil tại Bochum, Đức.

"Chúng có thể giúp đỡ chúng ta"

Robot thay thế y tá có tạo nên sự sợ hãi?
Giáo sư Minoru Asada: "Chúng có thể giúp đỡ chúng ta".

Giáo sư Asada cho biết: "Robot không thể và cũng không nên thay thế con người. Nhưng chúng có thể giúp đỡ chúng ta. Bạn có thể nhờ chúng thực hiện những công việc khiến con người cảm thấy căng thẳng và đòi hỏi sự mệt mỏi vật lý. Và trong một xã hội đang già hóa như ở đất nước Nhật Bản, chúng thực sự cần thiết". Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng robot chỉ có thể giúp đỡ con người khi chúng được chấp nhận.

Giáo sư Asada cho biết thêm: "Bảy năm trước, chúng tôi đã phát triển một robot hình người có màu xám", và nhận định màu sắc của robot chính là mấu chốt vấn đề. "Mọi người ban đầu cảm thấy không thoải mái với những con robot. Chỉ khi tương tác với chúng, họ mới cảm thấy những con robot này thật thân thiện. Việc tiếp xúc trực tiếp với những con robot có thể khiến mọi người giảm bớt sự sợ hãi".

Liệu Đức có trở thành một quốc gia thân thiện với robot?

Tại Đức, sự sợ hãi robot rất phổ biến, đặc biệt là những robot có hình hài con người. Những lý do đằng sau sự sợ hãi này là gì, và liệu có thể làm gì để giảm thiểu sự sợ hãi đó?

Friederike Eyssel, Giáo sư và nhà tâm lý học tại khoa Công nghệ tương tác nhận thức (CITEC) thuộc Đại học Bielefeld, thực hiện các cuộc khảo sát và thí nghiệm để tìm hiểu nét mặt, cử chỉ và chuyển động mắt của robot có tác động thế nào đối với con người. Bà cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm tới việc làm thế nào để có thể sản xuất robot trông có dáng vẻ giống con người hơn, để mọi người có thể cảm thấy dễ chịu với những thuộc tính cảm xúc và đặc điểm tính cách của chúng".

Các nhà nghiên cứu tại Bielefeld cũng vận hành một "Căn hộ dịch vụ nhận thức robot" nhằm nghiên cứu cách thức con người và robot tương tác với nhau. Chẳng hạn, robot có thể phục vụ đồ ăn nhẹ và đồ uống hay thậm chí mở cửa cho nhóm khán giả khi xem phim vào đêm muộn.

Robot thay thế y tá có tạo nên sự sợ hãi?
Tại Nhật Bản, việc sử dụng robot đã phổ biến ở nhiều địa điểm và các chuyên gia tin rằng sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Bà Eyssel cho biết: "Phỏng vấn những người tham gia thí nghiệm cho thấy rằng, người dùng luôn mong muốn có cảm giác họ có thể kiểm soát và tắt chức năng hoạt động của robot bất cứ khi nào họ muốn".

Tại thời điểm này, việc mọi người có thể cảm thấy hoàn toàn thoải mái tiếp xúc với robot là viễn cảnh khó có thể tưởng tượng tại Đức. Tuy nhiên, bà Eyssel tin rằng việc ngại sử dụng robot chẳng qua là do trở ngại tâm lý. Tiếp xúc nhiều hơn với các robot sẽ tạo ra một sự chuyển đổi tích cực.

Dường như việc dùng robot để thay thế cho các y tá tại trung tâm y tế là điều không thể xảy ra trong tương lai gần tại Đức. Tuy nhiên, bà Eyssel hy vọng mọi thứ có thể thay đổi. Bà nói: "Nếu tôi buộc phải lựa chọn giữa một robot thân thiện và một y tá tạo sự căng thẳng, tôi có lẽ sẽ thích được chăm sóc bởi robot hơn".

Theo Songmoi
  • 2.367