Robot hút bụi, chống trộm của cậu học trò lớp 11

Chỉ tốn vài chục nghìn, Phạm Ngọc Thắng, học sinh lớp 11A10 Trường PTTH Trần Phú (Hà Nội) đã sáng chế ra một người máy có hai tính năng hữu ích: hút bụi và chống trộm.

Robot đa năng

Tình cờ đọc báo, thấy ở Mỹ có robot hút bụi tự động chuyển hướng khi gặp vật cản, giá khoảng 200 USD, Phạm Ngọc Thắng bèn nảy ra ý tưởng chế tạo một robot có tính năng tương tự nhưng giá thành thấp, vừa túi tiền người VN.

Robot đa năng của Thắng (Ảnh: HN mới Cuối Tuần)

Tháng 1-2006, Thắng bắt tay ngay vào việc "sáng chế" robot. Nguyên liệu của em gồm 1 hộp các tông, những chiếc bánh xe, đĩa quay bánh xe, bộ phát âm thanh, các loại bóng đèn, pin tiểu... "rút ruột" từ đồ chơi trẻ em.

Không muốn làm phiền bố mẹ, Thắng đã nhịn ăn sáng để dành tiền mua đồ chơi về... phá. "Có lần bị hỏng thiết bị mà hết tiền mua, em phải xin bọn trẻ hàng xóm những món đồ chơi bị hỏng", Thắng kể.

Sau một thời gian mày mò, robot của Thắng cũng được hoàn thiện với những tính năng ưu việt. Công tắc khởi động có hai nấc: nấc thứ nhất để robot hút bụi, còn nấc hai sẽ biến nó thành "lính gác cửa", có tác dụng chống trộm. Robot nặng khoảng 800 gam và theo Thắng, nó sẽ nhẹ hơn và di chuyển nhanh hơn nếu thay hộp các tông bằng hộp nhựa.

Nguyên lý hoạt động của "robot đa năng" khá đơn giản. Nó có thể hút bụi được là nhờ một cánh quạt lắp ở giữa thân. Khi khởi động, robot chuyển động nhờ những bánh xe bên dưới, cánh quạt sẽ quay và hút bụi lên trên, bụi sẽ bị một lớp vải lọc giữ lại. Khi thử nghiệm, robot cũng dễ dàng hút những mảnh giấy vụn nhỏ.

Điều đặc biệt là Thắng đã lắp thêm bộ đĩa quay bánh xe nên robot có thể chuyển hướng khi chạm phải vật cản. Nhờ bộ cảm biến tự chế, khi robot bị đổ sẽ phát ra tín hiệu bằng đèn báo cho người sử dụng biết để dựng lại.

Ngoài ra, nhờ bộ phát âm thanh gồm loa, chip và bộ cảm biến, khi khởi động nấc 2, chỉ cần chạm nhẹ, robot sẽ phát ra tiếng còi hú inh ỏi, báo động cho chủ nhà.

Robot đa năng được vận hành bằng 5 viên pin AA (loại 1,5 V/1 viên). Nguồn năng lượng này sẽ giúp nó hút bụi được trong thời gian 1,5 giờ. Còn nếu dùng để chống trộm thì điện năng tiêu thụ ít, thời gian sử dụng pin được nhiều. Tổng chi phí để làm robot, theo ước tính của Thắng là khoảng 35.000-40.000 đồng.

Viết phần mềm chế tạo

Chế tạo sản phẩm thành công, Phạm Ngọc Thắng bắt tay vào viết phần mềm hướng dẫn chế tạo, sửa chữa và sử dụng robot đa năng của mình. Với chương trình lập trình Visual Basic 6.0, Thắng đã hoàn thành phần mềm với bốn phần cơ bản: Giới thiệu về robot đa năng và tác giả; hướng dẫn sử dụng phần mềm, sử dụng robot và cách sửa chữa khi gặp sự cố; kiến thức vật lý lớp 9, kiến thức mạch điện, cách làm robot (tự chế các loại cảm biến) và phần trợ giúp.

Hiện phần mềm đã viết xong nhưng Thắng muốn chỉnh sửa cho kỹ càng trước khi đưa lên mạng để ai muốn tự tay chế tạo robot cũng có thể download miễn phí.

Ông Phạm Ngọc Thành, bố của Thắng, cho biết cậu học trò lớp 11 này còn là tác giả của "máy mát-xa", sản phẩm đã đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2004-2005.

Thắng tâm sự: "Em chỉ mong robot đa năng được đầu tư để phát triển thêm một số tính năng mạnh hơn. Bởi em tin nó có khả năng ứng dụng trong thực tế mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với những sản phẩm nhập ngoại có cùng tính năng".

Theo Hà Nội Mới Cuối Tuần, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video