Hơn 13 tháng sau khi Perseverance hạ cánh trên sao Hỏa (ngày 18/2/2021), camera của robot phát hiện một số bộ phận của hệ thống hạ cánh Mars 2020.
Camera MastCam-Z của Perseverance chụp ảnh dù và tấm ốp sau từ khoảng cách xa ở khu vực phía nam vị trí hiện nay của robot. Bức ảnh được chụp hôm 6/4/2022.
Dù hạ cánh (đường mảnh màu vàng ở góc trái khung hình) của Perseverance trong ảnh chụp từ xa. (Ảnh: NASA)
Thông thường, vào đầu nhiệm vụ, robot tự hành sẽ chạy vòng sang bên cạnh để chụp ảnh phần còn lại của hệ thống hạ cánh. Nhưng Perseverance phải chạy vòng quanh một số địa hình gồ ghề để tới khu vực rộng lớn ở miệng hố Jezero mà các nhà khoa học muốn nghiên cứu, gọi là South Séítah. Khu vực đó nằm gần vị trí dù rơi xuống. Chiếc dù bị vứt bỏ trong trình tự hạ cánh để thiết bị phản lực skycrane có thể đưa robot hạ thấp dần xuống mặt đất bằng bánh xe.
Trước đó, camera HiRISE của tàu quay quanh quỹ đạo Mars Reconnaissance cũng ghi lại vị trí dù và tấm ốp bảo vệ, cùng với vị trí của robot tự hành và các đồ vật khác từ quá trình hạ cánh. Bức ảnh được chụp một ngày sau khi Perseverance tiếp đất. Robot nằm ở trung tâm của vùng va chạm tạo bởi skycrane. Sau đó, thiết bị này bay đi và đâm xuống đất ở khoảng cách an toàn, tạo ra dấu vết hình chữ V.
Hiện nay, Perseverance đang tiến đến mục tiêu tiếp theo trong chiến dịch khoa học thứ hai của nhiệm vụ, đó là vùng đất trông giống một châu thổ sông lớn. Robot đang chạy nhanh hơn bất kỳ phương tiện nào trước đây, dù chỉ đạt tốc độ chưa đến 160 m mỗi giờ. Perseverance đang sử dụng chức năng định vị tự động để dò đường và di chuyển tương đối nhanh do chạy trên địa hình bằng phẳng vài giờ mỗi ngày.
Perseverance đã phá vỡ kỷ lục về khoảng cách di chuyển trong một ngày của các robot tự hành trước đó với 319,8 m vào ngày thứ 351 trên sao Hỏa. Curiosity chạy được hơn 100 m trong một số hành trình nhưng chưa bao giờ vượt quá 200 m do hoạt động trên địa hình nhiều sỏi đá hơn. Robot Opportunity hạ cánh vào năm 2004 di chuyển tới 228 m một ngày bằng năng lượng mặt trời.