Sau hai ngày đổ bộ lên bề mặt một sao chổi, robot Philae đã rơi vào trạng thái "ngủ đông" vì cạn kiệt năng lượng.
>>> Robot Philae gửi tín hiệu từ sao chổi về trái đất
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho hay, vì pin của Philae đã cạn kiệt và không đủ ánh sáng mặt trời để duy trì năng lượng, nên nó đã rơi vào chế độ không hoạt động. Ở trạng thái này, tất cả các thiết bị và hệ thống đều tắt.
Mô phỏng hoạt động của Philae trên bề mặt sao chổi. (Ảnh: ESA)
Các nhà khoa học dự tính thời gian chiếu sáng trong một ngày của sao chổi là 7 giờ. Tuy nhiên, thời gian chiếu sáng thực chỉ 1,5 giờ và không đủ để cung cấp cho hệ thống pin.
Theo CNN, nhóm nghiên cứu nỗ lực cải thiện tình trạng năng lượng cho Philae bằng cách truyền lệnh để thay đổi cấu hình thân. Thân chính của robot được nâng cao và xoay 35 độ để tối đa hóa khả năng tiếp nhận ánh sáng cho các tấm pin. Các điều kiện có thể thay đổi nếu như sao chổi di chuyển gần hơn về phía Mặt Trời và cung cấp lượng ánh sáng cần thiết.
Dù tạm dừng hoạt động, Philae đã truyền được dữ liệu và hình ảnh đen trắng về Trái Đất. Nhóm chuyên gia của ESA cho biết khoảng 80% mục tiêu cơ bản đã đạt được.
Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào ngày 12/11 vừa qua. Đây là lần đầu tiên ngành khoa học vũ trụ thế giới đạt được thành tựu này.