Ngày 5/1, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) Jean-Yves Le Gall thông báo tàu thăm dò vũ trụ Philae của châu Âu có thể tiếp tục sứ mệnh khám phá bề mặt Sao Chổi 67P/C-G vào tháng Ba tới sau một thời gian tạm ngừng hoạt động vì pin yếu.
Hình ảnh đồ họa mô phỏng tàu Philae được tách từ tàu thăm dò không gian Rosetta và "hạ cánh" xuống bề mặt sao chổi. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Paris, ông Le Gall nói rõ Philae sẽ tiếp tục hoạt động vì tình hình có thể thay đổi khi 67P/C-G tiến gần hơn với Mặt Trời. Ông bày tỏ hy vọng từ tháng Ba tới, ánh sáng Mặt Trời sẽ giúp Philae sạc pin và tiếp tục sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đồng thời tỏ ý tin tưởng sẽ được chứng kiến những trải nghiệm có thực tại điểm cận nhật vào ngày 13/8 tới.
Sau 10 năm bám tàu mẹ Rosetta, Philae đáp xuống 67P/C-G vào ngày 12/11/2014, nhưng không hoạt động suôn sẻ như các nhà khoa học mong đợi. Con tàu nặng 100kg này đã nẩy lên hai lần trên bề mặt đóng băng của C-G trước khi rơi xuống một hốc đá tối tăm.
Philae có pin dự trữ để hoạt động trong khoảng 60 giờ, nhưng không có đủ ánh sáng để duy trì hoạt động của các tấm pin Mặt Trời và thực hiện các thử nghiệm. Chính vì thế, 3 ngày sau khi đáp xuống bề mặt C-G, Philae đã rơi vào "chế độ chờ". Camera Osiris trên tàu mẹ Rosetta đang xác định vị trí Philae hiện "ẩn náu".