Robot rà mìn, chống khủng bố

Những ký ức sâu sắc về đồng đội cũ đã thôi thúc nhóm tác giả của tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiều (Viện Kỹ thuật công binh) nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị dò tìm bom mìn (robot car) còn sót lại sau chiến tranh...

Nỗi niềm người lính

Kể lại chuyện cũ, đôi mắt của tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiều cứ rưng rưng. Ông không thể quên được hình ảnh một kỹ sư đã bỏ mạng sống của mình sau cuộc “thử sức” với một loại bom Mỹ thả xuống năm 1969 trên chiến trường VN. Chưa nắm rõ công nghệ mới này nên anh đã làm quả bom phát nổ...

Rồi những ngày sang đất bạn Lào làm công trình, người chiến sĩ công binh Nguyễn Xuân Kiều lại tiếp tục chứng kiến cảnh đau đớn của đồng đội khi cùng lúc quả bom chấu ba càng phát nổ làm hai chiến sĩ mất chân ngay tại chỗ. Nhịp hồi tưởng đau đớn làm ông nghẹn tiếng, đó cũng là thời khắc để ông quyết tâm thực hiện một điều gì đấy trả ơn đồng đội.

Những phương pháp rà phá bom mìn từ trước đến nay được thực hiện rất thủ công, do đó khi gặp sự cố thì tính mạng con người khó lòng được bảo toàn. “Tại sao không thiết kế một công cụ thay con người làm công việc nguy hiểm đó?”, câu hỏi trăn trở này đi vào từng giấc ngủ của ông và nhóm cộng sự.


Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiều và chiếc robot car (Ảnh: TTO)

Vừa rà mìn vừa chống khủng bố

Sau khi tham khảo các mẫu robot trên thế giới, nhóm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Kiều bắt tay vào thực hiện công việc. Tiến sĩ Kiều cho biết đến nay hệ thống dò tìm bom mìn này đã được hoàn thiện.

Kết cấu của hệ thống gồm có bộ phận bánh xích tạo hướng cho robot vượt qua chướng ngại vật, bộ phận cảm biến dùng để tự động xác định dấu hiệu bom mìn và vật nổ cũng như phun nước và đánh dấu vị trí bom mìn.

Cánh tay của robot có thể gắp được vật nặng 20-30kg, và với chiều cao 1,2m, vật phát nổ sẽ được chuyển đến vị trí yêu cầu. Để đảm bảo khoảng cách an toàn cho người làm nhiệm vụ trước vật khả nghi, việc điều khiển robot sẽ được thực hiện thông qua bộ phận tạo lệnh điều khiển (vô tuyến hoặc hữu tuyến).

“Robot car di động này có thể hoạt động được trong điều kiện môi trường độc hại mà con người không thể tiếp cận, bằng hệ thống camera sẽ giúp quan sát được vị trí yêu cầu, tốc độ di chuyển của robot là 20m/phút và leo được dốc 300” - thạc sĩ Lê Quốc Bình, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Tuy nhiên, việc chế tạo thành công robot car rà tìm bom mìn chưa làm cho nhóm nghiên cứu an tâm. Tiến sĩ Kiều cho biết hiện nhóm của anh đang hoàn thiện luôn công nghệ chống khủng bố ngay trên robot rà mìn này. Theo tiết lộ của anh, sau khi phát triển hoàn thiện robot car, nó sẽ được lắp các thiết bị kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện một số nhiệm vụ hỗ trợ chống khủng bố, xử lý các đối tượng (có thể là người, vật) có dấu hiệu khủng bố.

Khi công nghệ này hoàn thành cũng sẽ đảm trách việc di chuyển, giải phóng vật nổ, tháo gỡ các bưu kiện, hành lý... nghi ngờ là phương tiện khủng bố tại khu vực công cộng. “Chúng tôi cũng sẽ gắn máy khoan để khoan phá các cấu kiện nghi có phương tiện khủng bố để xử lý, đồng thời thiết bị sẽ được bố trí thêm súng bắn hơi cay, súng phun nước giải tán đám đông và gắn luôn thiết bị phá sóng điện thoại di động, sóng siêu cao tần...” - tiến sĩ Kiều cho biết.             

CAN LỘC

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video