Con người sắp bước vào một kỷ nguyên công nghệ mới, trong đó các máy tính và robot có thể cảm nhận, hành động và thậm chí tự suy nghĩ nhờ sử dụng một mạng lưới tương tự như bộ não của chúng ta.
Các chuyên gia của Google và Facebook đã và đang ứng dụng những nguyên lý của thần kinh học để phát triển các bộ não nhân tạo với hy vọng có thể hóa giải những vấn đề dữ liệu của họ. Hiện, hãng Qualcomm có trụ sở ở San Diego, Mỹ cũng đang lên kế hoạch trình làng loại chip thương mại đầu tiên lấy cảm hứng từ bộ não người.
Báo New York Times đưa tin, loại chip máy tính đặc biệt trên của Qualcomm dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong năm nay. Nó sẽ có khả năng tự động thực hiện các nhiệm vụ, vốn đang đòi hỏi việc lập trình công phu, cũng như có thể mô phỏng khả năng cảm nhận, hành động và suy nghĩ của con người.
Loại chip máy tính đầu tiên lấy cảm hứng từ bộ não người, dự kiến sẽ trình làng trong năm nay. (Ảnh: IBM)
Trong thực tiễn, điều này có nghĩa là, loại chip mới có thể tránh và chịu đựng các lỗi để cải thiện đáng kể mọi thứ, từ việc nhận dạng khuôn mặt và giọng nói tới sự điều hướng và lập kế hoạch. Xét về dài hạn, công nghệ này sẽ mở đường cho sự ra đời của các hệ thống thông minh, có thể thực hiện nhiệm vụ theo cùng cách, hoặc thậm chí tốt hơn con người.
Loại chip trên hiện do một công ty thuộc điều hành của hãng IBM và đang cộng tác với Qualcomm phát triển, trong dự án SyNAPSE xúc tiến từ năm 2009, sử dụng một mạng lưới "các lõi tiếp hợp thần kinh" liên kết với nhau và có thể định hình được. Bộ nhớ của chip đóng vai trò như khớp thần kinh trong bộ não, trong khi các bộ phận vi xử lý hoạt động như tế bào thần kinh và việc truyền tin như các sợi dây thần kinh.
Các con chip đã được thiết kế nhằm tái tạo và cải thiện khả năng của bộ não trong việc hồi đáp các cảm biến sinh học, phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau cùng lúc.
Hãng IBM mới đây cũng công bố một cấu trúc lập trình mới dành cho loại chip trên, cho phép các chuyên gia phát triển thiết kế những ứng dụng sau khi chip trình làng trong năm nay.