Các nhà khoa học Mỹ có thể tái tạo khuôn mặt người được khỉ nhìn thấy trước đó từ tín hiệu não của loài này.
Dựa trên giám sát hoạt động của các tế bào trong não khỉ macaque, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California, Mỹ có thể tái tạo hình ảnh khuôn mặt người khỉ đã thấy, Digital Trends ngày 5/6 đưa tin.
Sử dụng công nghệ tạo ảnh cộng hưởng từ, các nhà khoa học phát hiện 6 khu vực trên não khỉ tham giao vào quá trình nhận diện khuôn mặt người. Các neuron tại đây được các nhà nghiên cứu gọi là "tế bào khuôn mặt".
Các nhà khoa học đã tái tạo được khuôn mặt từ tín hiệu não của khỉ macaque.
Gắn điện cực vào não khỉ để theo dõi phản ứng vật lý của khỉ khi nhìn ảnh mặt người, các nhà nghiên cứu nhận thấy có 205 neuron tham gia mã hóa 50 chiều cạnh của một khuôn mặt. Kết hợp những chiều cạnh này, các nhà khoa học có thể tái tạo khuôn mặt khỉ nhìn thấy trước đó. Hình ảnh thu được rất giống hình ảnh gốc.
"Các tế bào não chúng tôi đang nghiên cứu nằm ở cấp cao nhất của hệ thần kinh thị giác", nhà nghiên cứu Steven Le Chang nói. "Khi tìm ra các tọa độ phù hợp cho khuôn mặt, chúng tôi có thể giải mã để tái tạo khuôn mặt khỉ đã thấy cũng như dự đoán phản ứng của các tế bào khuôn mặt với một khuôn mặt bất kỳ".
Công nghệ này có thể được ứng dụng vào việc tái tạo hình ảnh của nghi can từ trí nhớ của nhân chứng. "Dĩ nhiên, liệu trí nhớ có kích hoạt cùng số lượng tế bào như khi nhìn thấy khuôn mặt vẫn là một câu hỏi", Le Chang nói.
Các nhà khoa học có ý định mở rộng nghiên cứu từ khuôn mặt không biểu cảm sang khuôn mặt có biểu cảm và các vật thể khác.