Robot không cần phải có kích thước cực lớn. Các nhà khoa học tại Đại học Illinois, Mỹ, đã tạo ra một robot có kích thước chỉ hơn 1cm, được xây dựng trên hydrogel xương sống in ra từ máy in 3D.
Nó được cung cấp năng lượng bởi một dải các tế bào cơ xương kích hoạt bởi một dòng điện. Trước đó, các nhà khoa học đã tạo ra một robot sinh học bằng một mô tim nhưng không thể điều khiển được nó. Robot sinh học tạo ra từ các tế bào cơ có thể được kích hoạt với xung điện và các nhà khoa học có thể điều khiển nó "đi bộ" với các tốc độ khác nhau bằng cách thay đổi tần số.
Các nhà khoa học cho rằng, các robot sinh học này có thể sẽ được ứng dụng trong y học như tạo ra robot giải phẫu, hoặc chế tạo máy dò trong môi trường di động và thậm chí cả "chế tạo mô có thể lập trình". Các robot này có thể cấy ghép lên cơ thể con người để trung hòa độc tố hoặc cải thiện hệ thống kiểm soát sinh học.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những cảm biến tự trị từ những thiết bị này. Ví dụ, chúng tôi muốn nó cảm nhận được một hóa chất (độc tố) cụ thể và di chuyển về phía đó, sau đó phát hành các chất để trung hòa độc tố". Ông Rashid Bashir, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.