Chứng biếng ăn và cuồng ăn từng được xem là những vấn đề sức khỏe làm các cô gái tuổi thiếu niên phải ưu phiền. Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện rằng hiện ngày càng có nhiều phụ nữ lớn tuổi hơn cũng được chẩn đoán bị một dạng rối loạn ăn uống nào đó.
Bác sĩ Alexander Sackeyfio, một chuyên gia về tâm thần học và rối loạn ăn uống thuộc Bệnh viện Beaumont ở Royal Oak, bang Michigan nói rằng: “Chứng rối loạn ăn uống có thể xảy đến với bất kỳ ai vào bất kỳ giai đoạn nào trong đời. Tôi nghĩ rằng chúng ta ngày càng biết đến chứng này nhiều hơn và có thể chẩn đoán nó tốt hơn.”
Ông Doug Bunnell, giám đốc lâm sàng thuộc Trung tâm Renfrew ở Wilton, bang Connecticut nói rằng: Người ta thường có khuynh hướng mắc phải một sai lầm khác trong việc nhận thức về các rối loạn ăn uống là: họ cho rằng đó là các bệnh tâm lý nhưng lành tính có thể được điều trị dễ dàng và không để lại những ảnh hưởng nào lâu dài về thể chất.
Ông Bunnel cũng là một thành viên trong ban giám đốc của Hiệp hội về các Rối loạn Ăn uống Quốc gia. Ông nói: “Người ta thường ngạc nhiên khi biết rằng các rối loạn ăn uống này có tử suất cao nhất, khoảng 10-15% trong các chẩn đoán về bệnh tâm thần.”
Theo Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia thì chứng biếng ăn làm người ta giảm cân đáng kể do chế độ ăn uống quá ép buộc hoặc cực đoan. Có khoảng 0,5-3,7% phụ nữ bị chứng biếng ăn tâm lý vào một thời điểm nào đó trong đời.
(Ảnh: Imagesource.com) |
Chứng cuồng ăn có đặc trưng là ăn uống no say vô độ để rồi sau đó tống tháo ra bằng cách nôn mửa, dùng thuốc nhuận tràng hoặc tập thể dục quá độ. Có khoảng 1,1-4,2% phụ nữ Mỹ sẽ bị chứng cuồng ăn tâm lý trong đời.
Do tống tháo thức ăn ra ngoài nên người bị chứng cuồng ăn thường cân nặng trong giới hạn bình thường tính theo tuổi và chiều cao của họ. Tuy nhiên, họ cũng sợ bị tăng cân như người bị chứng biếng ăn. Do đó, họ thường có những hành vi ăn uống vô độ bí mật, cảm thấy bị ghét và hổ thẹn khi ăn uống như vậy, nhưng lại cảm thấy nhẹ nhõm sau khi họ tống tháo được hết ra ngoài.
Ông Bunnel nói rằng ông nhận thấy ngày càng có nhiều phụ nữ tuổi trung niên hoặc thậm chí lớn hơn đến điều trị chứng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, ông không chắc là tất cả có phải là những ca mới phát bệnh sau này hay không.
Ông nói: “Kinh nghiệm của tôi là hầu hết tất cả những phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40 mà tôi đã gặp có những triệu chứng của rối loạn ăn uống đều đã từng có một vài biểu hiện của chứng này trước đây khi họ còn ở độ tuổi thường mắc bệnh. Có thể lúc đó bệnh không được chẩn đoán, hoặc không nghiêm trọng lắm. Tuy nhiên, họ đã từng có lúc phải thật sự chịu đựng căn bệnh này. Chúng tôi thường không gặp nhiều ca bị rối loạn ăn uống chỉ mới phát bệnh hoặc bệnh ngoài dự đoán ở phụ nữ lớn tuổi.”
Các bác sĩ khác tin rằng sự thay đổi kích thích tố gần giai đoạn mãn kinh cũng như những thay đổi ở tuổi trung niên như ly dị hoặc con cái trưởng thành ra ở riêng có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống. Khi gia đình thay đổi, một số phụ nữ nhận thấy họ vẫn còn muốn có cảm giác nắm quyền và đó là một trong những nhu cầu mà chứng rối loạn ăn uống có thể đáp ứng.
Bác sĩ Sackeyfio nói rằng vấn đề rắc rối đối với những bệnh nhân nữ lớn tuổi đến điều trị bệnh ở tuổi xế chiều là họ có thể khó có được sự giúp đỡ mà họ cần. Trong nhiều thập niên qua, việc điều trị chỉ nhắm đến phụ nữ trẻ, và chỉ trong thời gian gần đây mới bắt đầu mở rộng lĩnh vực trị liệu bệnh này sang điều trị cho cả phụ nữ lớn tuổi, và nam giới.
Ông nói: “Không ai đáp ứng các nhu cầu của họ. Đôi khi đó cũng là vấn đề mà nam giới gặp phải.”
Ông Bunnel cho biết những người biếng ăn có khuynh hướng lo lắng về vóc dáng và cân nặng của họ, và họ thường hay lo lắng, cầu toàn và bị rối loạn về ám ảnh-ép buộc. Ngược lại, người cuồng ăn có khuynh hướng bị trầm cảm và bốc đồng và thường phải khổ sở với những vấn đề về dinh dưỡng - lạm dụng
Ông Bunnel nói: “Biếng ăn thường kiểm soát thái quá, căng thẳng và cứng nhắc, còn cuồng ăn ít được kiểm soát hơn, bốc đồng và không điều chỉnh được.”
Bác sĩ Sackeyfio nói rằng phươngpháp điều trị các rối loạn ăn uống cũng có nhiều tiến bộ và ngày nay các Bác sĩ nhấn mạnh hướng làm việc theo nhóm. Ông nói: “Lúc đầu, người ta xem chứng rối loạn ăn uống là một vấn đề tâm lý, nhưng nó nhanh chóng trở thành một vấn đề thuộc thể chất. Bạn cần có một người nào đó hiểu được những thay đổi về thể chất này để cùng làm việc nếu bạn là một nhà trị liệu.”
Bác sĩ Sackeyfio cho biết: Lý tưởng nhất là một người nào đó bị rối loạn ăn uống cần phải làm việc với một nhóm bao gồm bác sĩ tâm thần, bác sĩ dinh dưỡng và bác sĩ nội tổng quát.
Ông nói rằng điếu quan trọng nhất là những người xung quanh người bị rối loạn ăn uống cần phải hiểu rằng người bệnh thật sự bị mất kiểm soát và cần được giúp đỡ.
Ông nói: “Họ không phải là những đứa bé hư hỏng đang cố gắng gây khó khăn cho những người xung quanh. Họ hầu như không kiểm soát được những thay đổi về thể chất mà họ gây ra trong cơ thể mình."
Hồng Lĩnh