Rối loạn mỡ máu điều trị có thể không dùng thuốc

Bệnh tăng cholesterol máu hay còn gọi rối loạn lipid máu, nhưng nhiều người thường gọi nôm na là rối loạn mỡ máu (RLMM). Đây là một loại bệnh khá phổ biến, là nỗi lo ngại của nhiều người. RLMM là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim, tai biến mạch máu não…

Thế nào là rối loạn mỡ máu?

(Ảnh: VTC)

Mỡ trong máu có 2 dạng chính là cholesterol và triglycerid. RLMM là bệnh lý có tăng thành phần mỡ gây hại, và giảm thành phần mỡ có lợi bảo vệ cho cơ thể. Để có thể lưu thông trong cơ thể cholesterol và triglycerid kết hợp với một chất có tên là lipoprotein mật độ thấp (LDL), mật độ cao (HDL) và mật độ rất thấp (VLDL). LDL và HDL có chức năng vận chuyển cholesterol, còn VLDL có chức năng vận chuyển triglycerid trong máu. Phần lớn cholesterol trong cơ thể tồn tại dưới dạng kết hợp với LDL (được ký hiệu là LDL-c), chỉ có khoảng 1/4 đến 1/3 kết hợp với HDL (ký hiệu HDL-c). Nhiều LDL-c quá sẽ hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch, do đó người ta còn gọi nôm na là cholesterol xấu. Còn HDL-c thì có lợi cho cơ thể, nó chống lại quá trình xơ vữa động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa ứ đọng trong thành mạch máu trở về gan, vì vậy HDL-c còn gọi là cholesterol tốt. Sự tăng triglycerid trong máu quá cao cũng góp phần thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch. Trong cơ thể chúng ta luôn có sự cân bằng giữa hai quá trình gây hại và bảo vệ này. Khi gọi RLMM nghĩa là có tăng thành phần gây hại, và giảm thành phần có lợi bảo vệ cơ thể.

Rối loạn mỡ máu có hại gì?

(Ảnh: VTC)
Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol trong máu. Nhiều nghiên cứu về RLMM trên thế giới cho biết khi cholesterol toàn phần > 240mg% thì nguy cơ bị bệnh mạch vành tim tăng 2-3 lần. Cholesterol xấu (LDL-c) trong máu tăng cao thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Cholesterol tốt (HDL-c) trong máu nếu giảm thấp cũng tăng nguy cơ tai biến mạch máu và xơ vữa động mạch. Còn triglycerid tăng cao nhất là ở bệnh nhân bị đái tháo đường và nguy cơ xơ vữa động mạch cũng cao hơn.

Nếu LDL-c cao, nhưng HDL-c cũng cao thì ít lo ngại hơn là LDL-c cao mà HDL-c lại thấp. Bệnh RLMM không gây tác hại tức thời, nhưng tác hại về lâu dài thì rất nguy hiểm. Y học đã chứng minh được rằng giải quyết tốt vấn đề RLMM là cần thiết để hạn chế tai biến động mạch vành, mạch máu não và giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch máu.

Điều trị và phòng ngừa

Những người bị bệnh RLMM không nên quá lo lắng sợ hãi, hãy bình tĩnh áp dụng ngay việc điều trị không dùng thuốc, bao gồm hai điều cơ bản:

Kiêng cữ trong ăn uống: Giảm ăn mỡ bão hòa (mỡ động vật, bơ, dầu dừa…), nếu không kiêng được tuyệt đối thì tránh ăn quá 1/3 mỡ bão hòa trong nhu cầu chất béo hàng ngày. Giảm ăn các chất có chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật (não, bầu dục, tim, gan…). Riêng với lòng đỏ trứng gà tuy cũng nhiều cholesterol nhưng đồng thời có nhiều lecithin là một chất điều hòa chuyển hóa cholesterol trong cơ thể, do đó không nhất thiết kiêng hẳn, mà có thể ăn 2-3 quả trứng một tuần. Với người thừa cân thì cần thiết phải giảm cân nặng. Nên ăn nhiều rau quả tươi, uống nước chè xanh. Không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá vì nó thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và làm tăng cholesterol xấu.

Tập thể dục thể thao: Cần tập phù hợp với sức khỏe từng người, mỗi lần tập cố gắng đủ 30-45 phút ở mức độ không gắng sức, tập thường xuyên ít nhất 3 lần trong tuần. Tập thể dục thể thao sẽ góp phần tăng tác dụng của việc ăn kiêng.

Sau khi áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc nói trên 4-6 tháng mà vẫn không cải thiện được tình trạng RLMM, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL-c) còn cao thì cần dùng thêm thuốc hạ mỡ trong máu. Về thuốc có thể dùng một trong 4 nhóm thuốc là: Statin, fibrate, niacin, hoặc resin. Khi dùng thuốc phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ, vì ngoài tác dụng hạ mỡ trong máu, thuốc còn có thể gây nhiều tác dụng phụ.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VTCnews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video