Săn lùng tội phạm sinh đôi

Những vụ án khó nuốt liên quan đến nghi can song sinh nhiều khả năng sẽ sớm được phá án sau khi các chuyên gia Đức công bố biện pháp kiểm tra ADN mới.

Vào cuối năm 2012, tổng cộng có đến 6 phụ nữ bị xâm phạm tình dục ở Marseille, miền nam nước Pháp. Chứng cứ thu thập tại hiện trường, trong đó có ADN, không những giúp cảnh sát lần ra một mà đến hai nghi phạm không ngờ tới: anh em sinh đôi Elwin và Yohan (họ không tiết lộ). Khi được yêu cầu nhận dạng kẻ tấn công, các nạn nhân đều chỉ cả hai người dù không xác định được ai là thủ phạm. Cảnh sát đang nỗ lực tìm cách bắt kẻ gây án phải nhận tội, nhưng hai người đều lần lượt phản bác các tội danh và không người nào khai ra hung thủ.

Khi Elwin và Yohan bị bắt vào tháng 2/2013, giới truyền thông dẫn các nguồn thạo tin cho hay những nhà điều tra vẫn chưa xác định ai là hung thủ, do ngân sách hạn hẹp không đủ chi cho các cuộc xét nghiệm dạng pháp y đắt đỏ. Tuy nhiên, diễn biến mới trong lĩnh vực công nghệ y sinh vừa mở ra một cánh cửa khác giúp xác định kẻ tình nghi. Các chuyên gia của phòng thí nghiệm Eurofins tại Ebersberg (Đức) vừa khẳng định họ đang nắm trong tay công cụ có thể giải quyết dứt điểm vụ việc. “Bộ gene người chứa mật mã dài 3 tỉ chữ/số”, BBC dẫn lời Georg Gradl, chuyên gia giải mã của Eurofins. Ông cho biết nếu cơ thể tăng trưởng, hoặc bào thai đang trong quá trình phát triển, toàn bộ 3 tỉ mã số này phải được sao chép. Trong quá trình xử lý công cuộc giải mã phức tạp, sẽ có những đột biến nhẹ phát sinh.


Aftab và Mohammed Asghar, nghi phạm trong vụ cưỡng hiếp tại Berkshire (Anh) - (Ảnh: Mirror)

Trong các cuộc xét nghiệm ADN tiêu chuẩn, chỉ có một phần nhỏ đoạn mã được phân tích, đủ để phân biệt giữa hai người bình thường, nhưng lại bó tay trong trường hợp sinh đôi cùng trứng. Chuyên gia Gradl và đồng sự lấy mẫu từ các cặp sinh đôi nam giới và quan sát hết chuỗi 3 tỉ ký tự, cuối cùng phát hiện được hàng chục điểm khác nhau trên ADN. Khi kiểm tra ADN của con trai của một người trong nhóm, các nhà khoa học tìm được 5 đột biến giống nhau giữa cha và con, có nghĩa là người con thừa hưởng một phần đột biến của cha. Dựa trên những kết quả thu thập được, họ tự tin có thể phân biệt được các cặp sinh đôi, cũng như con cái họ. Một điểm quan trọng không kém là thời gian kiểm tra diễn ra trong vòng 1 tháng chứ không phải cả năm.

Hiện các viện pháp y và sở cảnh sát từ châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ đã yêu cầu Eurofins hỗ trợ khoảng 10 ca khác nhau. Chuyên gia Gradl cho biết các vụ cưỡng hiếp và bạo lực tình dục liên quan đến thủ phạm sinh đôi diễn ra nhiều hơn vẫn tưởng. Thông thường hung thủ bỏ lại tinh trùng và may mắn là các chuyên gia Đức có thể phân biệt được đâu là kẻ gây án đích thực. Dù không tiết lộ đang đảm nhận bao nhiêu ca, nhưng ông Gradl thừa nhận vụ án Marseille là một trong những trường hợp có thể hỗ trợ được. Ngoài vụ ở Pháp, trên thế giới không thiếu những vụ án đang đối mặt với khó khăn tương tự. Một tòa án tại Argentina vừa tạm ngừng một vụ xử để tìm thêm chứng cứ luận tội, sau khi bị cáo đột nhiên đổ hết tội cho người em sinh đôi. Ở Mỹ cũng có vài vụ rối rắm như vậy. Đôi khi dựa trên hình xăm hoặc chứng cứ ngoại phạm, các nhà điều tra may mắn xác định được hung thủ, nhưng vẫn có lúc cả hai đối tượng tình nghi không bị kết án.

Một trường hợp xảy ra vào năm 1999 ở Grand Rapids, bang Michigan, khi một nữ sinh bị đánh vào đầu và cưỡng bức. 5 năm sau đó, cảnh sát đã dựa trên ADN để truy được danh tính của nghi can là Jerome Cooper, nhưng trùng hợp là tay này có anh em sinh đôi tên Tyrone, cũng có tiền án tấn công tình dục. “Cả hai đều chối bỏ”, theo cảnh sát trưởng Jeffrey Hertel của Sở Cảnh sát Grand Rapids, và lúc đó các nhà điều tra không có cách nào để xác định kẻ gây án. Sau hơn 1 thập niên, nạn nhân vẫn chờ đợi sẽ có ngày tìm ra hung thủ thực sự.

Đối với các vụ án trên, phương pháp phân tích mới của Eurofins được cho là có thể hỗ trợ tốt trong việc tìm ra hung thủ.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video